Cần hơn 738.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải cho biết, để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư của vùng khoảng 738.500 tỷ đồng.



                
   

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông tại TP. Hồ Chí Minh được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư. Ảnh sưu tầm

   

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Hệ thống giao thông vùng có đầy đủ cả 5 phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ để cải thiện điều kiện kết nối vùng, liên vùng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, kéo giảm chi phí logistics. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn nhiều hạn chế và điểm nghẽn cản trợ sự phát triển mạnh mẽ của vùng.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của vùng khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương đã bố trí khoảng 60.800 tỷ đồng); giai đoạn 2026-2030, khoảng 396.500 tỷ đồng

Trong đó, tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc theo quy hoạch.

Cùng với đó, nâng cấp luồng hàng hải, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1; hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo; nghiên cứu, khôi phục Cảng hàng không Biên Hòa - Vũng Tàu…

Để tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trước hết, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường sắt, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư.

Mặt khác, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết Vùng; bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đầu tư công trung hạn, đồng thời kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương…/.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Cần hơn 738.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ