Cần không gian tài khóa để mở rộng chính sách xã hội

(BKTO) - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, quan trọng trong xây dựng và triển khai chính sách xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ của các chính sách xã hội mới, Việt Nam cần đảm bảo không gian tài khóa.

toa-dam.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh:molisa.gov.vn

Tại Tọa đàm Chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức ngày 08/12, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết 15), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, quan trọng trong xây dựng và triển khai chính sách xã hội.

Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Trong 26 chỉ tiêu được đề ra tại Nghị quyết 15, đã có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong Bảng xếp hạng của Liên hợp quốc, từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117/187 năm 2020, đem lại niềm tin và sự hài lòng cho người dân.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam chọn mốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để bàn về các vấn đề chính sách xã hội rộng lớn hơn, đi theo hướng bao trùm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. “Để thực hiện được điều đó, cần đổi mới cách làm chính sách xã hội, bắt đầu từ những người có tư duy và kiến thức mới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các tác động lớn, bao trùm có thể làm thay đổi chính sách xã hội trong tương lai như: Chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục rủi ro theo hướng chủ động; đầu tư trong xây dựng các chính sách xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội; phân công, phân cấp, phân trách nhiệm thực hiện, phối hợp giữa các đơn vị.

Dự kiến, hệ thống chính sách xã hội năm 2030 sẽ hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Bà Pauline Temesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư (không phải chi tiêu) cho các đối tượng chính sách xã hội trong suốt cuộc đời”.

Theo bà Pauline Temesis, để có thể đưa ra Nghị quyết mới về chính sách xã hội, Việt Nam cần cố gắng tăng cường khuôn khổ của Chính phủ đảm bảo điều phối, phối hợp giữa các yếu tố khác nhau, nhằm đạt mục đích áp dụng bảo hiểm toàn dân và tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Các chính sách xã hội cần mang tính lồng ghép giới nhiều hơn, điều này phải được thực hiện bắt đầu từ quá trình xây dựng chính sách để đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đảm bảo tất cả mọi người, nhất là các nhóm người dễ bị tổn thương đều được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế và giáo dục, hai dịch vụ xã hội có ý nghĩa rất quan trọng.

Để có thể thực hiện được 3 mục tiêu trên, Việt Nam cần nâng cao năng lực của các cơ quan cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo không gian tài khóa cho lĩnh vực xã hội nhằm đạt được các mục tiêu mở rộng của chính sách xã hội mới.

Việt Nam dự kiến sẽ ban hành một văn kiện mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo văn kiện mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thảo luận, thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (nửa đầu năm 2023).

Cùng chuyên mục
Cần không gian tài khóa để mở rộng chính sách xã hội