Chiến lược xây dựng tài chính toàn diện còn nhiều rào cản
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng tài khoản rất thấp, chỉ đạt 30,8%, trong khi ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương là 70,6% - gấp gần 2,3 lần; nhóm các nước thu nhập trung bình thấp cũng đạt đến 57,8% - cao hơn nhiều so với Việt Nam. Với những đối tượng nghèo và sinh sống tại nông thôn, tỷ lệ sử dụng tài khoản còn thấp hơn nữa, tương ứng là 20,3% và 25,2%, trong khi các nước Đông Á và Thái Bình Dương cũng như nhóm các nước thu nhập trung bình thấp có tỷ lệ tương ứng 59,3% và 68,8%.
Cũng theo số liệu của WB, người dân Việt Nam có tỷ lệ gửi tiết kiệm dưới các hình thức không chính thức và bán chính thức chiếm tỷ trọng cao. Trong đó, tỷ lệ để tiền tại nhà lên tới 57,4%; tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng chính thức chỉ 14,5%. Tỷ lệ người dân vay mượn tại Việt Nam nhìn chung ở mức cao so với người dân các nước cùng khu vực, đặc biệt là con số 49% vay mượn theo các hình thức khác (vay qua con đường chính thức là 21,7%, bạn bè người thân là 29,5%). Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát triển các hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam: Những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của các nước”, TS. Nguyễn Đức Hải - Học viện Ngân hàng - cho biết, sự phát triển tài chính theo hướng toàn diện ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu, kết quả còn nhiều hạn chế; tỷ lệ người dân sống ở khu vực nông thôn có tài khoản còn thấp. Một phần nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu. Tỷ lệ vay mượn không chính thức vẫn rất lớn; tài chính kỹ thuật số chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.
Đồng quan điểm trên, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - cho biết thêm: Tại Việt Nam, hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại lại rất hạn chế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (chiếm khoảng 28%) nhưng chủ yếu từ hệ thống ngân hàng nông nghiệp và Quỹ Tín dụng nhân dân. Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn rất e ngại với hình thức này. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%.
So với các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá có một số lợi thế nhất định trong triển khai TCTD, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về lĩnh vực này. Cụ thể: nhận thức chung của xã hội về TCTD chưa đầy đủ; cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính còn thiếu, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về TCTD; cơ sở hạ tầng tài chính chưa được kết nối đồng bộ; vấn đề đảm bảo an ninh mạng... Bên cạnh đó còn có các rào cản khác như: tỷ lệ người nghèo chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức cao; chênh lệch giàu nghèo và khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền; nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính thấp; văn hóa và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính…
Phát triển tài chính toàn diện cần sự thúc đẩy từ Chính phủ
Theo PGS,TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt - Học viện Tài chính, mặc dù theo thời gian, TCTD có thể được mở rộng bởi khu vực tư nhân, song vai trò Chính phủ thúc đẩy tiến trình này là hết sức quan trọng, thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, tạo lập và phát triển khuôn khổ pháp lý minh bạch, tin cậy. Trong bối cảnh công nghệ tài chính không ngừng thay đổi, một chiến lược quốc gia về TCTD thể hiện sự cam kết dài hạn của Chính phủ trong việc thúc đẩy thị trường tài chính sẽ định hướng DN đầu tư vào các dịch vụ tài chính đa dạng. Các dịch vụ thanh toán di động, bảo lãnh, bảo hiểm, điện toán đám mây, thiết bị di động, phân tích dữ liệu lớn… cần ưu tiên phát triển trong kỷ nguyên công nghệ số. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua điều khoản bảo đảm an toàn, giảm thiểu rủi ro đối với người sử dụng dịch vụ.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ. Chính phủ cần nằm ở việc giảm chi phí giao dịch trên thị trường tài chính, đặc biệt là chi phí thực thi hợp đồng tài chính. Chính phủ có thể thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tài chính bằng cách trực tiếp tài trợ hoặc khuyến khích đầu tư để mở rộng các dịch vụ tài chính đến khắp mọi miền đất nước.
Thứ ba, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính mới, hiện đại, chi phí thấp. Để công nghệ thực sự góp phần thúc đẩy TCTD, bên cạnh khuôn khổ pháp lý, Chính phủ cần hỗ trợ chính sách thuế để kêu gọi đầu tư. Chính phủ cũng có thể khuyến khích phát triển TCTD bằng cách thúc đẩy nền kinh tế theo hướng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt những khoản tiền lương, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội…
Thứ tư, tăng cường giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân về TCTD. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra rằng, nguyên nhân người dân ngại tiếp cận các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư… là do thiếu kiến thức về các sản phẩm, dịch vụ. Do đó, Chính phủ cần triển khai sớm các chương trình giáo dục về tài chính trong các trường học, trên các phương tiện thông tin, đào tạo kỹ năng và năng lực tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, quản lý tài chính hiệu quả.
Đồng quan điểm trên, PGS,TS. Chúc Anh Tú - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính - cho rằng, chúng ta cần cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ tài chính tới các đối tượng có nhu cầu với chi phí, phương tiện, thủ tục hợp lý nhất. Trong đó, việc mở rộng khả năng tiếp cận cho các tầng lớp có thu nhập thấp cần được chú trọng nhằm tạo cơ hội đồng đều và xóa đói, giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế. Để thúc đẩy TCTD, chúng ta cần có sự chung tay của tất cả các nhân tố, bao gồm: đối tượng cung ứng sản phẩm, cấp dịch vụ tài chính; đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính; các phương tiện hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin; môi trường pháp lý các cấp…
Đối với riêng vấn đề phát triển và ứng dụng công nghệ để thúc đẩy TCTD, các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng, sự bùng nổ Fintech (công nghệ tài chính) đã tạo ra bước đột phá sáng tạo, giúp mọi người tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện nhất với chi phí thấp nhất.
Đồng thời, Fintech cũng thúc đẩy và phổ cập các chương trình TCTD đến mọi người trong xã hội. Gần đây, các ngân hàng tại Việt Nam đã bắt tay hợp tác với các DN Fintech để cung ứng một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ. Thời gian tới, Việt Nam cần giám sát và đẩy mạnh Fintech hơn nữa nhằm thúc đẩy TCTD thông qua việc hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp lý về Fintech; xây dựng chính sách phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế; nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ứng dụng và quản lý Fintech; tăng cường hợp tác giữa các bên trong việc cung ứng sản phẩm Fintech; đa dạng hóa sản phẩm và phổ cập kiến thức về Fintech đến người tiêu dùng…
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 9/5/2019