Cân nhắc các chính sách thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút vào Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 10/6. Ảnh: VPQH

   

Cân nhắc quy định về tiêu chí, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện để phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Liên quan đến cơ chế thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, theo Tờ trình của Chính phủ, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư được áp dụng theo quy định của Điều 15 Luật Đầu tư. Ngoài ra, có 2 chính sách bổ sung, đó là nhà đầu tư chiến lược được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế Thu nhập DN; được ưu tiên về các thủ tục hải quan và thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Tán thành quan điểm cần có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, tuy nhiên các đại biểu đề nghị làm rõ khu vực nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư; quy định thêm các nguyên tắc, tiêu chí về ngành nghề, vốn để được hưởng ưu đãi. Đồng thời, quy định chặt chẽ về nguyên tắc xác định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết…                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) để thúc đẩy các chính sách, rất cần phải có các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm năng. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết đưa ra những tiêu chí về tài chính cho một số lĩnh vực vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản là 25.000 tỷ đồng thì rất khó khả thi bởi “số DN có vốn trên 10.000 tỷ đồng là đếm trên đầu ngón tay”.

Trong khi đó, có những lĩnh vực vốn điều lệ quy mô rất nhỏ, chỉ yêu cầu 500 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng, đã là nhà đầu tư chiến lược thì phải có quy mô tầm cỡ, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư thì mới có khả năng mang tính chiến lược cho sự phát triển của một vùng, một khu vực quan trọng đặc biệt như Vân Phong.

Về nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định: "Thời gian nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án là 5 năm đối với các dự án tại điểm b, điểm c khoản 1 và 3 năm đối với các dự án còn lại". Theo đại biểu, việc quy định không được chuyển nhượng dự án như vậy là ngắn và dễ dẫn đến lợi dụng chính sách để nhà đầu tư núp bóng và chưa bảo đảm gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất của nhà đầu tư chiến lược.

Đối với thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, quy định như Dự thảo là tương đối đơn giản và chưa thấy rõ trình tự. Dự thảo cũng chưa quy định rõ trách nhiệm đối với nhà đầu tư khi không thực hiện các cam kết khi được công nhận là nhà đầu tư chiến lược.

Về hai nội dung ưu đãi đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nga băn khoăn khi các lĩnh vực dự án đầu tư tương đối rộng, vốn điều lệ là khác nhau nhưng chỉ có 1 chính sách ưu đãi chung. “Tôi đề nghị cần có chính sách khác nhau, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư và cân nhắc chính sách mạnh hơn để tạo đột phá cho yêu cầu phát triển Khu kinh tế Vân Phong” - đại biểu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở đề xuất áp dụng cho nhà đầu tư chiến lược được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển. Bởi chính sách ưu đãi này tương tự như Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của DN. “Nếu vẫn áp dụng mức hỗ trợ như Dự thảo thì cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhanh chóng ban hành, hướng dẫn và thủ tục để áp dụng cho đồng bộ và thực hiện được ngay” - đại biểu kiến nghị.

Quy định chặt chẽ về trách nhiệm bảo vệ môi trường

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị cụ thể hóa những cam kết, bổ sung các trách nhiệm mang tính ràng buộc đối với các nhà đầu tư chiến lược, nhất là trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển và đại dương; bảo vệ các giá trị văn hóa xã hội, danh thắng của địa phương cũng như bổ sung các chế tài xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị rà soát kỹ hơn danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư trên quan điểm không đưa vào danh mục những ngành nghề có rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường biển và đại dương hoặc những ngành nghề có phát thải khí carbon ở mức cao nhằm vừa đảm bảo những định hướng xây dựng Khánh Hòa vừa thực hiện những cam kết của Chính phủ tại COP26.
                
   

Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh, Khánh Hòa là một trong những địa phương mạnh về du lịch biển. Đây cũng là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường cũng là một trong những yêu cầu đặt ra hết sức cấp thiết hiện nay.

“Không thể vì lợi ích kinh tế mà không đảm bảo các giá trị, đặc biệt là bảo vệ môi trường. Khi quy định nuôi trồng thủy sản ven biển trong phạm vi 6 hải lý trở lại thì cũng có tác động về môi trường rất lớn. Vì vậy, tôi đề nghị cần có đánh giá tác động môi trường khi nuôi trồng thủy sản ven biển và đề nghị Nghị quyết cần quy định cụ thể hơn, yêu cầu khắt khe hơn trong bảo vệ môi trường” – đại biểu Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy lưu ý, chính sách ủy quyền toàn bộ cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Khánh Hòa là chưa có tiền lệ, cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với năng lực bộ máy và thực tiễn công tác quản lý. Việc ủy quyền cần đi đôi với việc bảo đảm về năng lực thực hiện và công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung này cũng cần làm rõ trong dự thảo nghị quyết.

Giải trình làm rõ vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt với tiềm năng vượt trội và đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Theo đó, Tờ trình của Chính phủ đã xác định rõ danh mục ngành nghề ưu tiên để thu hút, điều kiện để trở thành các nhà đầu tư chiến lược, cơ chế ưu đãi và nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược… Bộ trưởng cũng đồng tình ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết cam kết về bảo vệ môi trường đối với các nhà đầu tư chiến lược./.
Đ. KHOA



Cùng chuyên mục
Cân nhắc các chính sách thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong