Cân nhắc, xem xét kỹ khi sửa Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

(BKTO) - Sau 10 năm triển khai, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại trật tự và sự ổn định thị trường vàng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét điều chỉnh Nghị định này cần cân nhắc các yếu tố và những lợi ích mang lại…



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Vì sao doanh nghiệp chưa muốn sửa Nghị định 24?

Tại cuộc họp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng mới đây, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho biết: Từ 10 năm trước đây (khi chưa có Nghị định 24), tất cả các giá trị thanh toán lớn trong nền kinh tế hầu hết không được niêm yết giá, không được định giá bằng VND mà được định giá, giao dịch bằng vàng. Điều này có nghĩa là Luật NHNN không được thực thi, đồng tiền Việt Nam không được tôn trọng.

Sự ra đời của Nghị định 24 đã tháo gỡ được tình trạng trên. Đến nay, các giao dịch trong nền kinh tế (kể cả giao dịch giá trị lớn) đều được thực hiện bằng VND, không còn được thực hiện bằng vàng, nền kinh tế không bị vàng hóa, đô la hóa. Đây là thành tựu quan trọng nhất của việc triển khai Nghị định 24 và cần được duy trì, bảo vệ thành quả này.

Cũng theo ông Phạm Chí Quang, trước đây, việc găm giữ vàng, USD trong nền kinh tế là rất lớn, hầu hết các hộ gia định đều có vàng trong danh mục tài sản. Với việc thực hiện Nghị định 24, một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào nền kinh tế.

“Nghị định 24 phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị đồng Việt Nam thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát.”- ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Doji, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong - cũng cho rằng: Sau 10 năm thực hiện, đến thời điểm này, có thể đánh giá, Nghị định 24 là sự thành công rất lớn.

Trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Quyết định của NHNN về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của DNNN duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nếu NHNN không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế.

Theo ông Đỗ Minh Phú, Nghị định 24 đến giờ vẫn chưa hết vai trò lịch sử. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của DN kinh doanh vàng và ngân hàng mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức.

“Trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả vô cùng tốt, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn NHNN xem xét thật kỹ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24” - ông Đỗ Minh Phú bày tỏ nguyện vọng.

Cũng từ góc nhìn của DN, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC - cho biết, hiện nay, Nghị định 24 vẫn có hiệu lực, giúp ổn định thị trường vàng và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị định 24 ban hành cũng làm cho các hoạt động về nữ trang đi vào ổn định, không còn chuyện làm, kinh doanh những nữ trang thấp tuổi.

Cân nhắc các yếu tố và những lợi ích mang lại

Tổng hợp dư luận về chính sách đối với thị trường vàng, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN - thông tin: Nhiều ý kiến cho rằng kết quả đạt được trong công tác quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 hiện nay đang phát huy tác dụng, đặc biệt là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa, làm cho người dân thay đổi thói quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán và đo giá trị với tài sản khác, loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán. Đây là nỗ lực rất lớn của chính sách vàng và thực hiện theo thông lệ quốc tế chuyển hóa vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Thúy Sen cho biết thêm: Nhiều ý kiến đề nghị việc xem xét điều chỉnh chính sách quản lý thị trường vàng cần cân nhắc những lợi ích mang lại đối với nền kinh tế, người dân và DN kinh doanh vàng. Khi xác định được những vấn đề này một cách rõ ràng thì mới xem xét tới việc có điều chỉnh chính sách hay không.
                
   

Quang cảnh cuộc họp của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng với các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thành công của Nghị định 24 là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được đảm bảo hơn do có khuôn khổ pháp lý để kiểm soát chất lượng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, các ý kiến cho thấy Nghị định 24 có một số nội dung cần cân nhắc. Theo một số đơn vị kinh doanh vàng, vàng trang sức mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu.

Nghị định 24 đã có khuôn khổ pháp lý cho nhập vàng nguyên liệu, nhưng vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, NHNN quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Việc này NHNN sẽ phối hợp với các DN để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu, đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ vừa hạn chế rủi ro.

Thống đốc cho biết: Thực hiện Nghị định 24, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng.

Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC


Cùng chuyên mục
Cân nhắc, xem xét kỹ khi sửa Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng