Cần sửa đổi quy định để nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế

(BKTO) - Trong phạm vi kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020, song song với việc xác nhận tổng số nợ thuế do cơ quan quản lý thuế và cơ quan hải quan quản lý, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng chỉ rõ những điểm bất cập trong các văn bản hiện hành và kiến nghị cơ quan hữu quan sửa đổi cho phù hợp, sớm ban hành để nâng cao hiệu quả thực thi quản lý nợ thuế.




                
   

Tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Báo Hải quan

   

Nợ thuế do cơ quan thuế quản lý giảm nhẹ

KTNN xác nhận, tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% so với năm 2019. Trong đó, nợ có khả năng thu tăng 29,6% (tương ứng 13.999 tỷ đồng). Nguyên nhân là do dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai đã gây thiệt hại lớn, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho nhiều người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề, kinh doanh thua lỗ, không còn nguồn tài chính để kịp thời nộp tiền thuế và tiền chậm nộp vào NSNN.

Đồng thời với đó là tình trạng một số người nộp thuế lợi dụng dịch bệnh, chây ì, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN. Các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào NSNN.

Cùng với số nợ thuế có khả năng thu tăng thì số nợ thuế đang xử lý cũng tăng 24,2% (2.028 tỷ đồng). Trong khi đó, số nợ thuế khó thu giảm 37,7% (16.658 tỷ đồng) nhưng nguyên nhân giảm chủ yếu là do việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Tại các địa phương, KTNN đã chỉ rõ 53/63 địa phương có dư nợ có khả năng thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao. Đáng chú ý, có địa phương số dư nợ có khả năng thu tăng lên tới 263%, tương ứng với con số tuyệt đối tăng hơn 1.973 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 60/63 địa phương có mức dư nợ khó thu giảm, trong đó có địa phương giảm tới 69% với con số tuyệt đối giảm hơn 6.061 tỷ đồng.

Tại các Cục Thuế, có 19/45 Cục Thuế được kiểm toán đã tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 2.230 tỷ đồng. Phần lớn các Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao về thu nợ thuế trong năm 2020. Một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời; phân loại nợ chưa đúng quy định.

Về tình hình khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, năm 2020, tổng số khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tại các địa phương là 24.987 tỷ đồng. Trong đó bao gồm xóa nợ của 62.278 người nộp thuế với số tiền 1.553 tỷ đồng; khoanh nợ của 493.472 người nộp thuế với số tiền 23.434 tỷ đồng.

Trên thực tế, số khoanh nợ thuế đã được các Cục Thuế địa phương điều chỉnh giảm trên báo cáo nợ thuế mẫu 02/QLN đến 31/12/2020 và theo dõi trên một mục danh sách các quyết định khoanh nợ trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS).

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề khoanh nợ thuế, tại khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “Cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 của Luật này”.
         
Vấn đề bất cập được KTNN chỉ ra là quy trình quản lý nợ thuế tại Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp với Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo giải trình của Tổng cục Thuế với KTNN, hiện tại, Tổng cục Thuế đang xây dựng quy trình quản lý nợ thuế thay thế quy trình tại Quyết định số 1401/QĐ-TCT, trong đó sẽ bổ sung việc hướng dẫn theo dõi và quản lý đối với khoản tiền thuế đã được khoanh nợ.


Quy định còn để “lọt” đối tượng nộp thuế và cần đôn đốc thu nợ

Thực hiện nội dung kiểm toán nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý, KTNN xác định số nợ thuế quá hạn đến 31/12/2020 là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019 và bằng 2,2% số thu của ngành Hải quan năm 2020. Trong đó, nợ quá hạn về thuế chuyên thu là 5.660 tỷ đồng, tăng 1,4%; nợ quá hạn về thuế tạm thu là 1.454 tỷ đồng, giảm 0,7%.

Ngoài ra, còn 15/36 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2019. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chủ yếu là kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra sau thông quan mà các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã ban hành các quyết định ấn định thuế đối với một số DN, dẫn đến làm phát sinh tăng số nợ tiền thuế phải thu.

Mặt khác, KTNN cũng chỉ ra rằng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 về quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó quy định phân loại nợ khó thu đối với trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh là không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế hiện hành.

Cụ thể, tại tiết d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh là “Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế”. Điều này có nghĩa là cơ quan quản lý thuế vẫn phải thực hiện đôn đốc thu nợ trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh.Tuy nhiên, Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ lại hướng dẫn phân loại các trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh vào nợ khó thu thì cơ quan hải quan sẽ không thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ bởi quy định chỉ đôn đốc thu hồi nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với nợ trong hạn và nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, Quyết định số 1503/QĐ-TCHC cũng không hướng dẫn cơ quan hải quan hàng năm phải thực hiện rà soát phân loại lại đối với các trường hợp người nộp thuế hoạt động kinh doanh trở lại (không còn ở trạng thái ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh).

Điều này dẫn đến qua chọn mẫu một số người nộp thuế có số nợ thuế lớn tại Sổ chi tiết nợ khó thu đến ngày 31/12/2020 của 04 Cục Hải quan để tham chiếu với trạng thái của người nộp thuế trên trang web tracuunnt.gdt.gov.vn cho thấy, có 03 người nộp thuế có nợ thuế 18 tỷ đồng được phân loại vào nợ khó thu do thuộc trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng thực tế các DN này vẫn đang hoạt động.

Đồng thời, liên quan đến quản lý nợ thuế, theo quy trình quản lý nợ của Tổng cục Thuế tại Quyết định số 1401/QĐ-TCT thì nợ khó thu không bao gồm trường hợp “ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh”.

         
Trong khi Tổng cục Thuế đã thực hiện khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 thì tại Tổng cục Hải quan năm 2020 chưa thực hiện việc này.Theo giải trình của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân năm 2020 cơ quan này chưa thực hiện là do các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh… xác minh thông tin người nộp thuế. Trên cơ sở xác minh của các cơ quan thì phía hải quan mới hoàn thiện hồ sơ theo quy định.


Tuy nhiên, năm 2021, Tổng cục Hải quan đã thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, trong đó, số xóa nợ đến 31/12/2021 được KTNN ghi nhận là 6,58 tỷ đồng, số khoanh nợ là 173,6 tỷ đồng./.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Cần sửa đổi quy định để nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế