Nguy cơ gây tai nạn rất cao sau khi uống rượu bia
Thời gian gần đây, mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể nhưng ở Việt Nam lại tăng cao, đứng Top 5 các nước tiêu thụ rượu, bia lớn nhất ở châu Á. Theo ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải (GTVT) Việt Đức thuộc Trường Đại học Việt Đức, thời điểm xảy ra tai nạn liên quan đến uống rượu, bia thường vào buổi tối, từ 18 - 24 giờ. Phân tích tâm lý hành vi các đối tượng bị TNGT do uống rượu, bia sau khi lái xe cho thấy, có một số nhận thức sai lầm của các nạn nhân là: “Tôi nghĩ rằng lái xe máy sau khi uống rượu, bia vẫn an toàn như mọi khi” và “Đi quãng đường ngắn nên tôi nghĩ là an toàn”. Những nạn nhân nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy “không bình thường” hay “bị say”. Gần 2/3 số nạn nhân vẫn tiếp tục tự điều kiển phương tiện ra về sau khi uống rượu, bia say mặc dù họ có sự thay đổi nhận thức về các tác hại của hành vi này sau khi bị tai nạn.
Thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe máy ở Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho thấy, khi nồng độ cồn trong máu (BAC) = 20 mg/100 mL thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 3 lần so với trường hợp BAC = 0; khi BAC = 50 mg/100 ml (mức quy định hiện hành) thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 7 lần so với trường hợp BAC = 0.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2012, ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Số liệu thống kê của lực lượng Cảnh sát giao thông cũng cho thấy, số vụ TNGT liên quan tới nồng độ cồn trên toàn quốc chiếm 4%. Tuy nhiên, số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê TNGT do rượu, bia nhập viện tại một số bệnh viện. Nguyên nhân cơ bản của khác biệt trên là do trong nhiều vụ TNGT, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn.
Sẽ bổ sung chế tàiđể ngăn chặn
Đánh giá về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh khẳng định, mặc dù công tác tuần tra xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống rượu, bia về nhà đã và đang được tăng cường thực hiện, tuy nhiên, tình trạng uống rượu, bia sau khi lái xe vẫn phổ biến, khiến tình hình TNGT do hành vi này gây ra còn diễn biến phức tạp.
Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng rượu, bia sau khi lái xe, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông (Học viện Cảnh sát Nhân dân) - Thượng tá, PGS,TS. Lê Huy Trí cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước áp dụng điểm an toàn giao thông đối với lái xe, đặt ra mục tiêu số lần tối thiểu kiểm tra 1 giấy phép lái xe trong một năm để tạo sự răn đe, giúp lái xe ý thức được họ sẽ bị kiểm tra bất cứ lúc nào và sẽ bị mất quyền lợi trong tham gia giao thông nếu điểm an toàn giao thông thấp.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn đề xuất, cần sửa Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 46), sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Mặt khác, cơ quan chức năng cần siết chặt sự quản lý, ngăn chặn kịp thời nguy cơ TNGT từ người sử dụng rượu, bia trước khi lái xe bằng cách đưa BAC về mức “zero” đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (hiện nay mức này đang là 50mg/100ml máu). Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung vào trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hình phạt lao động công ích...
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019