Cần tránh những gì trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

(BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến các phong trào thi đua yêu nước. Hồ Chí Minh và Đảng cũng sớm chỉ ra những việc cần làm và cả những việc cần phải tránh để tổ chức có chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngành điện, tháng 12/1954. Ảnh: ST

Dưới đây, xin nêu một số việc cần phải tránh trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Trước hết, Hồ Chí Minh nêu rõ cần phải tránh một số nhận thức không đúng về thi đua yêu nước. Theo Người, cần tránh cho rằng thi đua yêu nước là việc khác với những công việc hằng ngày mà các tổ chức, cá nhân làm, vì thực tế công việc hằng ngày cũng chính là thi đua. Người nhắc nhở đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày và nhấn mạnh: Công việc hằng ngày cũng như cần, kiệm, liêm, chính, chính là “nền tảng của thi đua”. Việc hoàn thành tốt các công việc hằng ngày chính là thực hiện hiệu quả việc thi đua yêu nước. Khi cho ý kiến về việc làm và xuất bản sách “Người tốt việc tốt” vào ngày 07/6/1968, Hồ Chủ tịch nói: “Chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường… Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”. Tất nhiên là phải chú ý đến năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, người tốt việc, việc tốt, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu…

Hồ Chí Minh thường nhắc nhở trong thi đua yêu nước cần tránh tình trạng nhất thời, chỉ tiêu, kế hoạch không sát thực tế, đầu voi, đuôi chuột. Người cho rằng thi đua là để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, vì vậy thi đua phải trường kỳ, phải liên tục, bền bỉ, thiết thực. Người thẳng thắn nhắc nhở: “Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được” và tháng 02/1960, trong một bài báo đăng trên Báo Nhân Dân, Hồ Chí Minh viết: Phải tránh cái lối “đầu năm đủng đỉnh la đà, cuối năm dốc kiệt sức ra làm bù”.

Với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới, quan trọng, góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải tránh tình trạng mất đoàn kết, cá nhân, cạnh tranh, ganh đua, giấu nghề… không lành mạnh trong thi đua yêu nước. Tháng 12/1954, Hồ Chí Minh phát biểu với cán bộ công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Điện Bờ Hồ: “Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”. Tại Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua Công nghiệp toàn quốc, vào ngày 24/3/1956, Hồ Chủ tịch nói: “Thi đua không phải là cạnh tranh, không phải một người hay một nhóm vượt lên trước, mà phải rộng rãi. Đầu thì một người, một nhóm rồi tất cả xưởng. Đầu thì một xưởng sau các xưởng, các ngành phải thi đua”.

Trong thi đua lao động sản xuất, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh khẩu hiệu nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Ngày 19/7/1960, trong bài nói tại Đại hội Đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa, Người chỉ rõ thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ và phải thực hiện đồng bộ, hữu cơ, bền chặt bốn nội dung này, tránh tình trạng nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ.

Hồ Chí Minh còn thường xuyên căn dặn trong thi đua yêu nước phải thực hiện tốt công tác khen thưởng, tránh những hạn chế, sai sót trong công tác quan trọng này. Trong bài báo "Thưởng tăng năng suất", viết vào năm 1956, Hồ Chí Minh đề nghị: Phải tránh thưởng “bình quân”, bình quân thì người không đáng thưởng cũng được thưởng, còn người đáng thưởng thì không được hoặc được thưởng rất ít ỏi” và do vậy thì không đảm bảo công bằng, không động viên, cổ vũ thiết thực được tinh thần hăng hái thi đua. Cũng trong bài báo này, Hồ Chí Minh còn nêu rất cụ thể “Khi đặt chế độ thưởng, cần phải phân biệt: Địa vị khác nhau của mỗi xí nghiệp trong kinh tế quốc dân và tác dụng khác nhau của công nhân và cán bộ trong việc sản xuất. Xí nghiệp quan trọng thì suất thưởng phải cao hơn xí nghiệp thường. Công nhân và cán bộ chủ chốt thì thưởng nhiều hơn công nhân và cán bộ khác”.

Trong các phong trào thi đua yêu nước, những người trực tiếp tham gia thi đua có vai trò hết sức quan trọng và đây cũng là việc mà Hồ Chí Minh rất quan tâm. Người nhắc nhở các chiến sĩ thi đua cần khiêm tốn, không kể công, không mặc cả với kháng chiến, với dân tộc; các chiến sĩ thi đua phải luôn xứng đáng “là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của Nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”. Hồ Chí Minh còn nhắc nhở những người thi đua yêu nước phải tránh thờ ơ với những người xấu, việc xấu gây hậu quả cho thi đua và phải đấu tranh để phòng, chống có hiệu quả các tệ nạn đó. Năm 1956, nói chuyện tại Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua Công nghiệp toàn quốc, Hồ Chí Minh thẳng thắn nhấn mạnh: “Công nhân thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, nhưng có bọn tham ô lãng phí, nên các cô, các chú tiết kiệm được chừng nào chúng tham ô lãng phí từng ấy; phải chống tham ô lãng phí như cảnh giác chống địch phá hoại”.

Những tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và những việc cần phải tránh trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quán triệt, vận dụng, phát huy, triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả trong các giai đoạn lịch sử, nhất là thời kỳ đổi mới vừa qua. Thực tế này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định: “Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đó cũng là sự tự hào, là nguồn động lực to lớn để chúng ta tiếp tục đoàn kết thống nhất, hăng hái thi đua yêu nước với niềm tin vững chắc vào tương lai như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ: “Với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới, quan trọng, góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”./.

Cùng chuyên mục
Cần tránh những gì trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước