Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới xuất hiện

(BKTO) - Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện tượng lừa đảo mạo danh đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Người dùng được khuyến cáo cần nâng cao cảnh giác và trang bị các kiến thức cần thiết để phòng tránh những rủi ro từ loại hình lừa đảo này.

Giả mạo nhân viên khách sạn để lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc

1_9a34881455.jpeg
Với việc nhu cầu đi du lịch ngày một tăng cao,  nhiều chiêu trò xuất hiện nhằm dụ dỗ nạn nhân đặt phòng rồi sau đó chiếm đoạt tiền cọc. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Từ đầu tháng 8 đến nay, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành đánh giá tình hình lừa đảo trực tuyến đang diễn ra cả tại Việt Nam lẫn trên thế giới.

Kết quả cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu du lịch của người dân tăng cao,  gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam xuất hiện. Những kẻ này giả danh là nhân viên của các khách sạn, homestay, hoặc resort nhằm lừa gạt người dùng bằng cách dụ dỗ họ đặt phòng và chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo thường bao gồm việc lập tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng tải hình ảnh và thông tin về các cơ sở lưu trú, đồng thời đưa ra những mức giá ưu đãi hấp dẫn. Họ tham gia vào các nhóm và fanpage liên quan đến du lịch để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Sau khi tạo được lòng tin, những kẻ này yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc ngay lập tức, với lý do rằng khách sạn đang trong tình trạng kín chỗ và cần đặt trước để giữ phòng. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ lập tức chặn liên lạc và biến mất.

Để bảo vệ mình trước các hình thức lừa đảo này, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần thận trọng khi đặt phòng qua mạng xã hội. Việc xác minh thông tin về địa chỉ và tiện nghi của nơi lưu trú, cùng với quy trình kiểm tra lai lịch người cung cấp dịch vụ là rất quan trọng. Ngoài ra, không nên chuyển tiền đặt cọc cho những khách sạn hoặc nhà nghỉ ít nổi tiếng. Trong trường hợp nghi ngờ về hành vi lừa đảo, người dân nên báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Lừa đảo mạo danh cơ sở giáo dục

Trường Đại học Y Hà Nội gần đây đã nhận được thông tin phản ánh về hiện tượng một số cá nhân mạo danh nhà trường, đăng tải thông tin giả mạo liên quan đến việc đăng ký chỗ ở tại ký túc xá trên các mạng xã hội. Các đối tượng này tự xưng là nhân viên của trường, tạo ra nhóm Facebook mang tên "Đại học Y Hà Nội – HMU" để nhằm mục đích tiếp cận các thí sinh đang có ý định xét tuyển vào trường.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này là tư vấn cho thí sinh về việc chuyển tiền đặt cọc để đảm bảo chỗ ở ký túc xá sớm. Nếu nhận thấy có thí sinh ngần ngại trong việc chuyển tiền, họ sẽ không ngần ngại nhấn mạnh tính cấp bách với những lý do như “trường đã họp và chốt điểm chuẩn, chỉ chờ công bố” hay “nhà trường đã quyết định số lượng chỗ ở ký túc xá trong chiều nay”.

Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin đã đưa ra khuyến cáo đối với học sinh và sinh viên. Cụ thể, mọi người cần phải thận trọng và xác minh thông tin từ các nguồn chính thống khi tìm kiếm thông tin liên quan đến trường học trên mạng xã hội. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân và tuyệt đối không chuyển tiền cho những cá nhân không rõ nguồn gốc. Thí sinh cũng nên truy cập vào trang web chính thức của trường hoặc gọi trực tiếp đến các số điện thoại được công khai để kiểm tra độ tin cậy của thông tin.

Cảnh giác khi mua vé máy bay và tour du lịch giá rẻ trực tuyến

3_c90ddfc460-2-.jpeg
Một số đối tượng tạo lập các tài khoản Facebook ảo, đăng tải các bài viết rao bán vé máy bay, đặt phòng giá rẻ trong các hội nhóm nhiều người tham gia. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là trong các hội nhóm trao đổi và mua bán vé máy bay, ngày càng nhiều trường hợp lừa đảo xuất hiện với các lời rao bán vé giá rẻ tới mức bất ngờ. Những kẻ lừa đảo này yêu cầu người mua chuyển khoản tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt số tiền mà không bàn giao vé.

Cụ thể, những kẻ này đã lợi dụng tâm lý tìm kiếm cơ hội tiết kiệm chi phí của khách hàng. Họ tạo ra các tài khoản Facebook giả, sau đó đăng tải thông tin rao bán vé máy bay và tour du lịch với mức giá rất hấp dẫn trong những nhóm đông thành viên. Khi có người liên hệ để hỏi mua, họ sẽ nhanh chóng yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc, rồi mất tích với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi mua bán vé máy bay trực tuyến. Trước khi xác nhận giao dịch, người tiêu dùng nên kiểm tra cẩn thận thông tin của đơn vị cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, yêu cầu những kẻ bán cung cấp hợp đồng rõ ràng, có dấu và chữ ký của giám đốc công ty. Ngoài ra, hãy thực hiện các bước tra cứu để xác minh tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ cùng mã số thuế của doanh nghiệp. Trong trường hợp phát hiện bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào, mọi người nên thông báo ngay cho cơ quan chức năng để góp phần ngăn chặn hành vi này lan rộng.

Cảnh báo lừa đảo mạo danh cơ quan quản lý xuất nhập cảnh

Thời gian gần đây, Công an TP. Hà Nội đã phát đi cảnh báo liên quan đến hiện tượng một nhóm đối tượng giả danh Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Những kẻ lừa đảo này sử dụng thủ đoạn làm giả giấy tờ nhằm hỗ trợ những người có nhu cầu xuất khẩu lao động.

Quá trình hoạt động của chúng bắt đầu bằng việc lùng sục các tài khoản trên mạng xã hội để tìm kiếm người có nhu cầu xuất cảnh. Sau khi tiếp cận, chúng hướng dẫn nạn nhân về việc làm thủ tục, đồng thời yêu cầu gửi ảnh chân dung cùng căn cước công dân nhằm tạo hồ sơ cấp hộ chiếu. Sau một thời gian ngắn, những kẻ này gửi cho nạn nhân hộ chiếu giả mạo (được chỉnh sửa công phu) và yêu cầu thanh toán các khoản chi phí vào tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp.

Ngoài ra, để gia tăng tính thuyết phục, nhóm lừa đảo còn cung cấp những văn bản giả mạo công văn của Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhằm yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để chứng minh thu nhập và tài chính. Chúng còn tự xưng là cán bộ của cơ quan này, gọi điện liên tục để ép buộc nạn nhân hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhằm hoàn thiện hồ sơ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng dịch vụ trực tuyến và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho những đối tượng không rõ nguồn gốc.

Cục An toàn thông tin cũng cho biết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ cung cấp dịch vụ thông qua trang web chính thức là xuatnhapcanh.gov.vn; do đó, mọi tài khoản hay fanpage Facebook có liên quan đến dịch vụ xuất cảnh đều có thể là giả mạo.

Cùng chuyên mục
Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới xuất hiện