Nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh
Vinafor là DN đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ. Tổng công ty được thành lập vào ngày 04/10/1995, đến năm 2016 chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Sự kiện trên đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, quan trọng trên chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển cho thấy sự thay đổi lớn trong quản trị, thể hiện nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên và người lao động của Tổng công ty.
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, sự lãnh đạo của Ban điều hành, Vinafor ngày càng khẳng định vị thế của “cánh chim đầu đàn”, nâng cao giá trị thương hiệu, thể hiện sự minh bạch; bảo tồn, phát triển vốn Nhà nước rất hiệu quả, quản trị, kinh doanh cũng từng bước đổi mới, phát triển. Điều này thể hiện ở các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong các năm qua đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Đơn cử năm 2021, Vinafor triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Tổng công ty và sự nỗ lực của các đơn vị thành viên và toàn thể người lao động, Vinafor đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ năm 2021. Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất năm 2021 của Vinafor đạt 2.311 tỷ đồng, tương đương 107% kế hoạch điều chỉnh; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 288 tỷ đồng, tương đương 132% kế hoạch.
Bước sang năm 2022, bối cảnh kinh tế thế giới trên đà phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến an ninh năng lượng toàn cầu.
Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chi phí vận chuyển, logistics đều tăng mạnh, chuỗi cung ứng các sản phẩm gỗ chế biến bị đứt gãy, thị trường sụt giảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Trước tình hình đó, Vinafor đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Vinafor cho biết, lợi nhuận đạt gấp 13 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết. Cụ thể, doanh thu trong quý III/2022 đạt 580 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Ngoài ra, dù doanh thu tăng nhưng chi phí bán hàng vẫn giảm được 7,6 tỷ đồng về mức hơn 10 tỷ đồng và chi phí quản lý DN giảm được 5,4 tỷ đồng về 45,7 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2022, doanh thu Vinafor đạt 1.804 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty có khoản doanh thu tài chính 121 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ); còn chi phí tài chính vẫn duy trì rất thấp, dưới 10 tỷ đồng. Các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi 272 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả, Vinafor lãi sau thuế 374 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022, tăng 76,6% so với cùng kỳ và vượt 13% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm…
Với vai trò là Công ty Mẹ, Vinafor thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên; duy trì họp Hội đồng quản trị, họp giao ban hàng tháng để đánh giá, phân tích và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ, khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các đơn vị. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, Vinafor chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp trồng rừng tập trung, thâm canh cao để tạo vùng nguyên liệu cho ngành chế biến sâu trong tương lai; đồng thời duy trì và giám sát việc thực hiện quản lý rừng bền vững của các đơn vị lâm nghiệp. Ngoài ra, những nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất và quản lý điều hành và công tác sắp xếp, tái cơ cấu DN cũng được Tổng công ty đẩy mạnh triển khai.
Chiến lược phát triển phù hợp
Với định hướng phát triển “Từ trồng rừng đến sản phẩm”, trong đó lấy hoạt động trồng rừng và chế biến lâm sản là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển, Tổng công ty đã từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm ngành lâm nghiệp.
Định hướng mục tiêu của Tổng công ty là “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”, lấy mục tiêu kinh tế làm trọng tâm. Trong đó, Tổng công ty xác định một số mục tiêu chính, như: Phát huy tối đa lợi thế sẵn có; đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Xây dựng chiến lược trung và dài hạn theo tiêu chuẩn FSC; nghiên cứu cải tiến và áp dụng những giống cây mới nhằm nâng cao năng suất rừng trồng, tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm các nhà máy, xưởng chế biến lâm sản gắn liền với vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài về nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh lâm sản, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Ngày 22/5/2020, Hội đồng quản trị Vinafor đã có Nghị quyết thông qua một số định hướng chính xây dựng Chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, đối với định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp: Vinafor phấn đấu trở thành đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cây giống chất lượng cao, chiếm lĩnh thị phần số 1 của cả nước về giống cây trồng lâm nghiệp, là cơ sở để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao cho hoạt động chế biến sâu.
Để đạt được mục tiêu trên, Vinafor đã cải tiến, nâng cấp công nghệ nhân giống tại các cơ sở hiện có; đầu tư xây dựng mới một số trung tâm giống và hệ thống vườn ươm công nghệ cao và hiện đại tại địa bàn các vùng trồng rừng trọng điểm tạo thành mạng lưới giống cây trồng của Tổng công ty trên phạm vi toàn quốc.
Với định hướng kinh doanh rừng trồng: Tổng công ty xác định, tăng giá trị kinh doanh rừng; tăng giá bán trên cơ sở mở rộng quỹ đất trồng rừng bằng việc tham gia tái cơ cấu, mua lại phần vốn tại các công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/NĐ-CP của Chính phủ; nâng cao năng suất rừng trồng trên cơ sở cải tạo giống cây trồng chất lượng cao, đổi mới và áp dụng các biện pháp lâm sinh tiên tiến tạo rừng gỗ có đường kính lớn do chất lượng gỗ tốt và kéo dài chu kỳ kinh doanh để cung cấp gỗ lớn; đầu tư trồng cây đa mục đích, cây dược liệu dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Theo ông Phí Mạnh Cường- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam định hướng phát triển hoạt động chế biến gỗ của Vinafor là đầu tư các trung tâm chế biến gỗ công nghệ hiện đại, tập trung sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lâm sản có giá trị gia tăng cao trong tương lai. Theo đó, giai đoạn 2020-2025, Tổng công ty đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; tăng vốn cho các đơn vị chế biến gỗ có tiềm năng phát triển; đầu tư cải tạo, nâng cấp máy móc thiết bị tại một số đơn vị phục vụ chế biến các mặt hàng xuất khẩu; mở rộng dây chuyền mới cho nhà máy MDF Vinafor Gia Lai để nâng công suất sản xuất và sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư thêm một số nhà máy chế biến mới tại các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh Tổng công ty dự kiến tham gia tái cơ cấu các đơn vị lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp của các tỉnh này theo Nghị định số 118 của Chính phủ.
Đối với giai đoạn 2025-2030, Vinafor xác định, đây là giai đoạn tập trung tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn và tổng tài sản, củng cố phát triển thị trường và thương hiệu của Vinafor trên thị trường trong nước và quốc tế đối với các nhà máy trọng điểm được đầu tư giai đoạn 2020-2025. Ngoài ra, Tổng công ty hợp tác với một số đối tác của Nhật Bản để nghiên cứu triển khai các dự án sản xuất viên nén gỗ năng lượng, sản xuất điện sinh khối (Biomass) từ viên nén gỗ năng lượng, ....
Ông Lê Quốc Khánh - Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết để phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất lâm nghiệp và chế biến sâu, đạt được các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2035, mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 tạo sự đột phá và tăng trưởng bền vững trong tương lai, Tổng công ty sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên phát huy mọi nguồn lực, xây dựng tiến độ để triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022 đề ra, góp phần hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Bên cạnh đó, Vinafor sẽ hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 để định hướng cho Tổng công ty phát triển ổn định và bền vững trong những năm tới phù hợp với Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN của chủ sở hữu (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN). Đồng thời, rà soát, cân đối, đưa ra tiến độ, kế hoạch đầu tư cụ thể, hợp lý; đầu tư những dự án cần thiết, có trọng tâm, trọng điểm; các dự án có tính khả thi và hiệu quả cao.
Cùng với đó, Tổng công ty sẽ không ngừng nâng cao năng lực, trình độ quản trị hiện đại phù hợp với DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của DN góp phần nâng cao uy tín và giá trị gia tăng cổ phần của Tổng công ty trên thị trường./.
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Vinafor ngày càng phát triển ổn định, bền vững, thể hiện bằng nhiều thành tích, giải thưởng, chứng chỉ đối với sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, như:
Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2011); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005); Chứng chỉ rừng bền vững FSC (từ năm 2013); Danh hiệu Top 50 nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 do Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng; Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008 từ năm 2010 và TCVN ISO 9001-2015 từ năm 2017 đến nay. Top 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam từ năm 2010 do Vietnam Report bình chọn. Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2018 do Viet Nam Report bình chọn; Top 500 DN có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 02 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Bằng khen cho tập thể Tổng công ty và 01 cá nhân để ghi nhận kết quả, thành tích đạt được trong năm 2019...