
Bộ Xây dựng mới có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, công tác phát triển nhà ở xã hội trong những tháng đầu năm 2025 đã có nhiều chuyển biến, đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, trong 4 tháng, cả nước đã có 15.614 căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành, có 17 dự án đã được khởi công với quy mô 17.664 căn.
Cùng với đó, việc tổ chức triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Nhiều địa phương đã bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động, tích cực đôn đốc các chủ đầu tư khởi công, hoàn thành các dự án nhà ở xã hội, đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu của Đề án đến năm 2025 như TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An…
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa có dự án được khởi công hoặc có dự án được khởi công nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp; chưa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, chưa bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được giao trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề nghị lãnh đạo các địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung.
Các địa phương cần bổ sung chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ giao vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; ưu tiên nguồn lực nhằm quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Đối với các dự án đăng ký hoàn thành trong năm 2025, dự án đã khởi công, đang triển khai đầu tư xây dựng, phải tổ chức làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để rà soát tiến độ, chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực để hoàn thành ngay trong năm 2025.
Đối với các dự án đã được lựa chọn chủ đầu tư, địa phương phải chủ động hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật; kịp thời xử lý các vướng mắc của dự án để sớm khởi công, xây dựng ngay trong năm 2025.
Ngoài ra, các địa phương cần ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Các địa phương cũng cần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm việc lập, phê duyệt dự án, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng…) để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tạo điều kiện để các chủ đầu tư có thể triển khai dự án nhanh chóng, từ việc lựa chọn vị trí đất đai cho đến việc hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Đồng thời, địa phương cần tiếp tục xem xét, kiểm tra, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng và thực hiện công bố công khai để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ cũng sẽ định kỳ kiểm tra, đôn đốc các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện tại từng nơi./.