Chấp nhận thua thiệt về kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của người dân

(BKTO)- Chiều 05/02, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020.



                
   

Quang cảnh Họp báo

   

“Chống dịch như chống giặc”

Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 05/02, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh chúng ta đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là “chống dịch như chống giặc”.

Tại Phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…

Đối với công tác phòng chống dịch nCoV, Chính phủ đánh giá các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị với tinh thần chấp nhận thua thiệt về kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của người dân.

Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt, chủ động, toàn diện, mạnh mẽ công tác phòng chống dịch bệnh. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta, trong đó, 3 người được chữa khỏi, có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế-xã hội như: tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động; quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các bộ trưởng, trưởng ngành, các địa phương nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đồng thời đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Trong công tác chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan đến đối ngoại, vì vậy cần phải thông tin kịp thời, xử lý phù hợp. Bộ Ngoại giao cần chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch. Tinh thần là bảo đảm tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các đối tác.

Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó với nCoV

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ xác định: Chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của năm 2020. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.

Trong năm 2020, chúng ta cần triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó nâng cao hiệu quả tham gia, chủ động, tích cực đóng góp vào xây dựng, định hình các tổ chức, diễn đàn đa phương, trọng tâm đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Một nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2020, các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước, cũng như của từng ngành, địa phương.

Tin và ảnh: XUÂN HỒNG
Cùng chuyên mục
Chấp nhận thua thiệt về kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của người dân