Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán chuyên đề quản lý thuế

(BKTO) - Tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề: Công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn, miễn, giảm, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020” do KTNN tổ chức sáng 25/6, các đại biểu đã điểm lại những kết quả kiểm toán nổi bật, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong tổ chức kiểm toán chuyên đề. Đồng thời tập trung chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán chuyên đề.



Báo điện tử Kiểm toán trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những ý kiến tiêu biểu tại Tọa đàm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh

Để đạt được các mục tiêu kiểm toán chung của cuộc kiểm toán chuyên đề; đảm bảo chất lượng, hiệu quả cũng như tính thống nhất khi thực hiện kiểm toán chuyên đề quy mô toàn Ngành, các đơn vị thực hiện kiểm toán cần lựa chọn các chuyên đề kiểm toán phù hợp với năng lực, khả năng, không nên chọn những chuyên đề rộng, dàn trải.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh

   

Trong lựa chọn chuyên đề kiểm toán, cần phải có sự chuẩn bị trước từ 1 đến 2 năm, đồng thời tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề làm điểm để đúc rút kinh nghiệm, tạo cơ sở triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nhằm hỗ trợ cho việc rà soát, phân tích thông tin, đồng thời nâng cao năng lực của Kiểm toán viên trong việc khai thác cơ sở dữ liệu, nhờ đó có thể lựa chọn chính xác những hồ sơ kê khai, hồ sơ thanh tra, kiểm toán thuế có rủi ro cao để kiểm tra, rà soát lựa chọn đưa vào kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thuế.

Mặt khác, Văn phòng KTNN cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Ngành xây dựng “Sổ tay điện tử nghiệp vụ kiểm toán” giúp chủ động phát hiện và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán chuyên đề nói riêng.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang

Qua kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn, miễn, giảm, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020, KTNN chuyên ngành II thấy nổi lên 2 vấn đề lớn.

Thứ nhất là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và những tồn tại, bất cập. Nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quan tâm đặt lên hàng đầu, đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá, đưa hoạt động quản lý của Cơ quan thuế và người nộp thuế trong cả nước đi vào nền nếp…
                
   

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang

   

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy cơ chế, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, hoàn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá còn một số bất cập cần xem xét, chỉnh sửa nhằm tạo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng đối với người nộp thuế.

Thứ hai là công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, miễn giảm, giãn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá còn sai sót. Việc xử lý hồ sơ và lập báo cáo hoàn thuế còn chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định. Nhiều Cục Thuế quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) dự án đầu tư cho người nộp thuế không đúng quy định đối với Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Một số Cục Thuế thẩm định hồ sơ hoàn thuế cho dự án đầu tư chưa đủ điều kiện hoàn thuế. Công tác miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế ở một số Cục Thuế còn nhiều sai sót…

Phó trưởng phòng Ngân sách địa phương (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) Nguyễn Minh Dương

Để đạt được các mục tiêu kiểm toán chung của cuộc kiểm toán chuyên đề và đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tính thống nhất khi thực hiện kiểm toán chuyên đề toàn ngành, cần thu thập đầy đủ các thông tin cần thiết theo Đề cương chuyên đề. Trên cơ sở đánh giá thông tin đã thu thập sẽ tiến hành đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp xác định đúng phạm vi và giới hạn kiểm toán phù hợp với địa phương được kiểm toán.
                
   

Ông Nguyễn Minh Dương - Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán

   

Đồng thời xác định các nội dung trọng yếu phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; lựa chọn chính xác những hồ sơ kê khai, hồ sơ thanh tra, kiểm toán thuế có rủi ro cao để kiểm tra, rà soát lựa chọn đưa vào kế khoạch kiểm tra, đối chiếu thuế. Cùng với đó, cần lựa chọn phương pháp và thủ tục kiểm toán phù hợp với các nội dung kiểm toán, đặc biệt là các nội dung trọng yếu.

Kinh nghiệm được rút ra là đối với kiểm toán chuyên đề, cần tăng cường và tập trung hơn vào công tác kiểm toán tổng hợp. Đây là công việc quan trọng mang tính chất quyết định đến kết quả kiểm toán và có nội dung định hướng cho các Tổ kiểm toán thực hiện và thu thập bằng chứng kiểm toán. Đối với các kết quả kiểm toán tổng hợp, các Đoàn, Tổ kiểm toán cần rà soát căn cứ pháp lý, bằng chứng kiểm toán để đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đảm bảo thận trọng và khả thi.

Trưởng phòng doanh nghiệp (Vụ Tổng hợp) Vũ Thùy Dương

Sau khi kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn, miễn, giảm, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020, chúng tôi đưa ra 2 khuyến nghị.

Một là, hoàn thiện quy định pháp luật hoàn thuế GTGT theo hướng vừa quản lý chặt chẽ để phòng chống gian lận thuế, vừa tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về thuế GTGT như điểm c.1 khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC; quy định rõ thời điểm người nộp thuế cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Nghị định số 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ; bổ sung hướng dẫn hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư thực hiện theo từng giai đoạn được xác định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
                
   

Bà Vũ Thùy Dương - Trưởng phòng, Vụ Tổng hợp

   

Hai là, tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả của chính sách hoàn thuế GTGT. Theo đó, công tác dự báo để dự toán NSNN về giá trị hoàn thuế GTGT phải sát với tình hình thực tiễn; công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho các đối tượng phải đầy đủ, kịp thời... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có cơ chế phù hợp trong việc giám sát, theo dõi hoặc kiểm tra đánh giá về tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách này để có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy môi trường, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các đối tượng được hưởng lợi từ chính sách.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Nguyễn Văn Hiệu

Kết thúc kiểm toán đợt 1 năm 2021, KTNN khu vực IV đã tổ chức kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN có giao dịch liên kết tại tỉnh Long An và Bình Dương.

Qua kiểm toán đã có những phát hiện nổi bật như UBND các tỉnh chưa chỉ đạo đến các sở ban ngành xây dựng cơ sở dữ liệu giá để phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết theo quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Khoản 8 Điều 21 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Số lượng các cuộc thanh tra chuyển giá chưa nhiều, chưa tạo được tác động lan toả; công tác tuyên truyền, phổ biến cho các DN trong việc kê khai giao dịch liên kết chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nhiều DN có phát sinh giao dịch với bên liên kết nhưng không kê khai, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điểm d, g, i Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Một số DN chưa xác định lại giá thị trường đối với hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với bên liên kết, xác định lại giá thị trường chưa phù hợp với quy định theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 41/2017/TT-BTC; chưa loại trừ chi phí lãi vay vượt quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP; Điểm a Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương

Trong thực hiện kiểm toán thuế, KTNN khu vực XIII đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm trong công tác hoàn thuế, miễn giảm thuế, chống trốn thuế, chống chuyển giá của các cơ quan thuế. Cụ thể, KTNN khu vực XIII phát hiện 02 Công ty vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn qua dấu hiệu quy mô kinh doanh tăng bất thường trong các năm 2017, 2018, 2019 (trong khi đó, doanh thu từ khi thành lập năm 2014 đến năm 2016 rất thấp).

Các công ty này hàng năm kinh doanh khoảng 50.000 - 70.000 tấn mủ cao su nhưng trụ sở đăng ký kinh doanh là nhà dân, không đăng ký kho hàng với cơ quan thuế, chi phí thuê kho rất thấp, không phù hợp với quy mô kinh doanh, cuối năm không có hàng tồn kho.

Các công ty này cũng không có phương tiện vận tải, không có phương tiện bốc xếp hàng… Việc thanh toán tiền mua bán mủ cao su có dấu hiệu bất thường, sau khi chuyển khoản thì rút ra ngay bằng tiền mặt trong ngày, một số DN bán hàng cho 2 công ty này đã đăng ký tạm nghỉ kinh doanh hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Hợp đồng mua bán chỉ ghi nhận địa chỉ giao nhận hàng chung chung, không có biên bản nghiệm thu.

Khối lượng bán hàng từng lần lớn nhưng không xuất hóa đơn cho từng xe mà xuất 01 hóa đơn chung, số lượng trên hóa đơn là số chẵn (trong khi không có biên bản nghiệm thu) là không phù hợp với thực tế kinh doanh. Nhận thấy các dấu hiệu của hành vi mua bán hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của nhà nước, KTNN khu vực XIII đã kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín

Từ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn kiểm toán, KTNN khu vực V đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020.

Trong đó, về công tác chống trốn thuế, chuyển giá, cần tập huấn cho KTV nắm vững Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, trong đó, chú ý đến các quan hệ được xác định là quan hệ liên kết; việc phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết.

Để phát hiện các DN có quan hệ liên kết và có giao dịch liên kết nhưng không kê khai, cần lấy thông tin trên thuyết minh Báo cáo tài chính về tổ chức góp vốn vào DN, các DN đã có vốn góp, từ các trang mạng internet, trao đổi trực tiếp với cơ quan thuế, nhận diện qua thương hiệu, tên DN để làm rõ những trường hợp có nghi ngờ có quan hệ liên kết.

Đối với những DN thuê các công ty kiểm toán độc lập thực hiện kê khai thông tin quan hệ liên kết và các chỉ tiêu theo quy định đối với DN có giao dịch liên kết, KTV phải yêu cầu đơn vị kiểm toán độc lập cung cấp hồ sơ, giải trình để làm rõ việc kê khai và điều chỉnh giá giao dịch liên kết.

Tương tự, trong kiểm tra hoàn thuế GTGT, cần phối hợp với cơ quan thuế để thu thập tình hình hoạt động của DN, thu thập thông tin từ trang mạng internet, đối chiếu số liệu các kỳ hoàn thuế để phát hiện các bất thường của số tiền đề nghị hoàn thuế GTGT, trên cơ sở đó, chọn kiểm tra, đối chiếu chứng từ hoàn thuế, yêu cầu cung cấp hợp đồng, hóa đơn, các thông tin, số liệu liên quan để làm rõ, phát hiện gian lận.

Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm

KTNN đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề chuyển giá, cũng như trao đổi kinh nghiệm về vấn đề chuyển giá. Tuy nhiên, vấn đề kiểm toán chuyển giá rất phức tạp, bởi hoạt động chuyển giá được các đối tượng thực hiện tinh vi, khó xác định. Để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán đòi hỏi các đơn vị kiểm toán phải không ngừng nâng cao năng lực của Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên, tổ chức tốt việc thu thập thông tin, thu thập bằng chứng kiểm toán để đưa ra các đánh giá, kiến nghị xác đáng.
                
   

Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm

   

Về công tác phối hợp, cung cấp thông tin của các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan thuế còn hạn chế, đây là khó khăn khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán. Do đó, ngoài các quy định về công tác phối hợp trong văn bản, các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên cần phối hợp tốt với cơ quan thuế để có thể truy cập, thu thập thông tin về thuế trong hệ thống dữ liệu của ngành thuế.

Đối với chuyên đề kiểm toán thuế, các đơn vị cần linh hoạt, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện kiểm toán. Trong đó, cần bám sát hướng dẫn của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, trên cơ sở tuân thủ đúng quy trình, quy định của Ngành về hoạt động kiểm toán.

Thông qua cuộc kiểm toán này, nhiều phát hiện kiểm toán mới đã được chỉ ra. Các đơn vị kiểm toán, Kiểm toán viên cần tham khảo, trong đó tập trung vào các phát hiện mới như các khoản miễn giảm tiền thuế không đúng đối tượng, giảm tiền thuê đất... Tuy nhiên, các Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên cần đặc biệt chú trọng đến các bằng chứng kiểm toán để đảm bảo tính xác đáng, thuyết phục cho kiến nghị kiểm toán.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán trong các cuộc kiểm toán chuyên đề đang diễn ra và sắp tới, các đơn vị kiểm toán, Kiểm toán viên cần chú trọng nâng cao năng lực nghề nghiệp, tự học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, cũng như học hỏi qua các tài liệu, văn bản của Ngành, các đơn vị khác; chú trọng công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện kiểm toán.

N.LỘC - H.THOAN - L.HÒA thực hiện
Cùng chuyên mục
Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán chuyên đề quản lý thuế