Chiến thắng Điện Biên Phủ và dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(BKTO) - Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chiến thắng đó cũng xuất phát từ tài thao lược của các tướng lĩnh trong thời đại Hồ Chí Minh, đứng đầu là Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

a_trang-3_1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp ra thực địa quan sát, chỉ đạo Chiến dịch. Ảnh tư liệu: ST

Nhà quân sự kiệt xuất

Thượng tướng, PGS,TS. Trần Việt Khoa - Giám đốc Học viện Quốc phòng - nhấn mạnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự kiệt xuất với tư duy chiến lược vượt trội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự khẳng định thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với quân Pháp khi ấy, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, là hình thức phòng ngự mới nhất, hiện đại nhất, là "pháo đài khổng lồ không thể công phá”.

Theo Thượng tướng Trần Việt Khoa, đánh giá đúng tình hình địch - ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, cũng không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch ở Điện Biên Phủ, không đánh giá quá cao khả năng chiến đấu còn hạn chế, nhất là về hỏa lực và khả năng đánh công kiên của bộ đội ta. Song Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn nhận, chỗ yếu sinh tử của địch là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập trên một vùng rừng núi, rất xa hậu phương của chúng. Chỗ yếu đó của địch càng không thể khắc phục khi cấp chiến lược của ta chủ động mở nhiều chiến dịch tiến công trên nhiều hướng chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó.

Lựa chọn địa bàn Điện Biên Phủ, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta sẽ phát huy được sở trường, có thể dựa vào địa hình hiểm trở để phát huy khả năng tác chiến, hạn chế tính năng binh khí kỹ thuật, khả năng tăng viện ứng cứu của địch. Thượng tướng Trần Việt Khoa cho rằng, những đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến nhận định: "Đây là thời cơ chiến lược tốt để tiêu diệt quân chủ lực Pháp ở địa hình rừng núi, xa căn cứ hậu phương mà địch chỉ có thể tiếp tế bằng đường không".

Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh". Ngày 01/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Đại tướng: "Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định..."; “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Chuyển hướng chiến lược, cô lập địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, kế hoạch đánh tập đoàn cứ điểm lịch sử Điện Biên Phủ được ta ráo riết chuẩn bị theo phương thức “đánh nhanh, thắng nhanh”. Hầu hết các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận, Bộ Chỉ huy Chiến dịch và các chuyên gia nước ngoài đều có chung ý kiến: Cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng cường thêm quân và củng cố công sự. Nếu không đánh sớm, địch tăng cường lực lượng, tập đoàn cứ điểm sẽ trở nên quá mạnh và nếu không đánh nhanh sẽ khó giải quyết vấn đề tiếp tế, vì tuyến đường từ hậu phương ra tiền tuyến quá xa.

Thượng tướng Trần Việt Khoa chia sẻ, theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh", thời gian chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20/01/1954. Tuy nhiên, với con mắt của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra những khó khăn, sự mạo hiểm của phương thức đánh này. Bởi, địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, pháo binh của phía ta - hỏa lực chủ yếu của chiến dịch lại không kéo được vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu, nếu "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì không bảo đảm thắng lợi.

Để đảm bảo toàn thắng cho Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm để đánh theo phương châm tác chiến mới là "đánh chắc, tiến chắc". Đây là quyết định sáng suốt, mang đậm nhãn quan quân sự cá nhân sắc sảo, bản lĩnh, dũng cảm, quyết đoán, táo bạo, sáng suốt của người cầm quân và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc", ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch, thể hiện nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng, không đánh.

a_trang-3_2.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ sau 40 năm giải phóng Điện Biên. Ảnh: ST

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp - như chính ông cũng từng thừa nhận. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định: Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”; thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" gắn liền với vai trò, trí tuệ và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng này đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, mở ra những nấc thang mới của lịch sử của dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự có nhiều cống hiến xuất sắc góp phần làm nên những chiến công vĩ đại không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (năm 1972), Đại thắng mùa Xuân (30/4/1975) thống nhất đất nước, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới, nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự. Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương và di sản vô cùng quý giá để chúng ta noi theo, vận dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Cùng chuyên mục
  • Cần những cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở đủ phẩm chất, năng lực và uy tín
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Nhận thức rõ điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng, củng cố, tăng cường bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên chỉ đạo phải: “Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị”.
  • Chúng ta tri ân sâu sắc những người làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến họp 26 ngày
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 7 là 26 ngày, khai mạc vào ngày 20/5/2024 và bế mạc vào sáng 27/6/2024.
  • Kỷ niệm trọng thể 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904-1/5/2024). Đây là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh.
  • Thủ tướng dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
    7 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), chiều 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình các chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp