Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trên các lĩnh vực

(BKTO) - 5 cân đối hài hòa lớn là thành tựu nổi bật trong công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.



                
   

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại Quốc hội - Ảnh: VGP

   

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, sáng 24/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Thủ tướng cho biết:Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là năm 2020 với muôn vàn khó khăn, nhiều thử thách chưa từng có, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trên các lĩnh vực.

5 cân đối hài hòa lớn trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ

Theo Thủ tướng, có thể khái quát thành tựu nhiệm kỳ qua trong 5 cân đối hài hòa lớn.

Thứ nhất, sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội. Nói cách khác, đây là hài hòa giữa ổn định và đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Thứ hai, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm đổi mới và là 6,8% trong giai đoạn 2016-2019; người dân thuộc các thành phần khác nhau đều được hưởng thành quả phát triển tương xứng với nỗ lực đóng góp; các địa phương đều có cơ hội và không để địa phương nào bị tụt lại, mất cơ hội phát triển.

Thứ ba, hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó, kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Nước ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hằng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như: tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như: hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm.

Thứ năm, hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác…
                
   

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

   

Bổ sung, đánh giá, làm rõ hơn một số nội dung

Chiều 24/3, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày
   Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

   

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đồng thời, nhấn mạnh 5 nhóm kết quả chủ yếu, đó là:

Tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình, nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19.

Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; đồng thời, chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

Làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục; bổ sung, phân tích, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; đánh giá rõ hơn kết quả giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả đầu tư các dự án, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho DN và người dân.

Đồng thời, Ủy ban đề nghị đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xác định rõ những bất cập, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, giải pháp khắc phục.

Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; bổ sung đánh giá về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 để làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ tới...

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trên các lĩnh vực