Chính sách và thủ tục hải quan sẽ tiếp tục được cải cách, hoàn thiện

(BKTO) - Việc cải cách chính sách và thủ tục hải quan đã góp phần giúp DN cắt giảm chi phí cũng như thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện.




Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hải quan đã mang lại nhiều lợi ích cho DN - Ảnh: Minh Tuấn

Doanh nghiệp giảm đượcchi phí, tăng tiện ích

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 vừa được Bộ Tài chính và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết: Ngành hải quan đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá 233 thủ tục hải quan, tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS luôn vận hành ổn định, an toàn, với sự tham gia của hơn 99,65% DN tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc. Tổng cục Hải quan cũng đang triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, theo đó, người nộp thuế có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện.

Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai các thủ tục hành chính mới trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW). Đến đầu tháng 11/2018, đã có 11 Bộ, ngành tham gia kết nối 130 thủ tục hành chính với NSW, hơn 1,6 triệu bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý và hơn 24.900 DN tham gia. Cơ quan hải quan đã triển khai thành công Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM). Hệ thống này cho phép trao đổi và xử lý dữ liệu 24/24h. Việc triển khai VASSCM cho phép DN xuất nhập khẩu (XNK) không phải xuất trình chứng từ giấy để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận như trước đây, giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí, tạo thuận lợi trong việc nhận hàng hóa tại cảng cho DN. Kết quả khảo sát tại Cục Hải quan Hải Phòng cho thấy, với việc không phải in bình quân hơn 7.500 tờ khai hải quan một ngày khi làm thủ tục thông quan qua cảng, cơ quan hải quan đã giảm được 253 giờ công, đồng thời tiết kiệm được gần 800.000 đồng cho DN.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt - cho biết: Việc cải cách hành chính của ngành hải quan thực sự đã góp phần cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về chính sách thuế, hải quan cho DN. Qua các cuộc đối thoại, DN hoạt động XNK nói chung và DN kinh doanh kho, bãi, cảng nói riêng đã nêu được tâm tư, nguyện vọng về các chính sách thuế, hải quan. Theo ông Linh, cơ quan hải quan nên tổ chức hội nghị theo chuyên đề để thu hút nhiều DN tham gia và góp ý đối với các vấn đề thời sự.

Kỳ vọng những cải cách mới của ngành hải quan

Bà Trịnh Tú Anh - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Đô - cho rằng: Những cuộc đối thoại với DN do Bộ Tài chính tổ chức đã từng bước có chuyển biến về hình thức và nội dung, góp phần giải quyết bất đồng giữa các bên. Các chính sách thuế đã có nhiều đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho DN, trong đó có DN nhỏ và hộ kinh doanh. Việc kê khai và nộp thuế qua mạng, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ quản lý thuế đã giúp DN tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí, đồng thời hạn chế được những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Tuy nhiên, do chính sách tài chính về thuế và hải quan thường xuyên sửa đổi, DN cũng sẽ khó khăn trong việc nắm bắt và tra cứu thông tin. Theo bà Tú Anh, Tổng cục Hải quan cần có cơ chế lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân, DN, phải tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp, đề cao vai trò người đứng đầu các đơn vị nhằm rút dần khoảng cách giữa cơ quan quản lý về thuế, hải quan với cộng đồng DN và các hiệp hội.

Phát biểu tại cuộc đối thoại nói trên, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, dù đã ghi nhận sự đổi mới của cơ quan hải quan, nhưng nhiều DN vẫn mong muốn ngành tiếp tục cải tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của DN, mở rộng đối tượng DN ưu tiên trong lĩnh vực có rủi ro thấp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, DN cũng kỳ vọng ngành hải quan tiếp tục đẩy mạnh kết nối toàn bộ 196 thủ tục hành chính đã đăng ký, đồng thời tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết.

Ghi nhận các ý kiến trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khẳng định: Ngành hải quan sẽ duy trì các cuộc đối thoại, tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với DN, cùng với đó là xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phủ sóng VASSCM tại các cảng biển, cảng hàng không, đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thu ngân sách bằng phương thức điện tử nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân.

Ông Thành cũng đề nghị: DN cần chủ động phản hồi với cơ quan quản lý về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách; tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp để cùng với cơ quan hải quan xây dựng các chính sách mang tính khả thi, công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, DN nên chuyên môn hóa nhân sự về hải quan tại đơn vị để thuận lợi trong việc cập nhật kịp thời chính sách mới và thực hiện đầy đủ, đúng quy định. DN có thể làm thủ tục XNK thông qua đại lý hải quan đã được công nhận chính thức, không làm thủ tục qua môi giới. Khi gặp vướng mắc, DN cần chủ động liên hệ với cơ quan hải quan để được giải đáp kịp thời, hiệu quả hoặc có thể thông qua các kênh, như: Chuyên mục Tư vấn giải đáp pháp luật trên Báo Hải quan, đường dây nóng của Văn phòng Tổng cục Hải quan, Bộ phận hỗ trợ HelpDesk thuộc Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê hải quan, website: https://customs.gov.vn của Hải quan Việt Nam.

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018
Cùng chuyên mục
Chính sách và thủ tục hải quan sẽ tiếp tục được cải cách, hoàn thiện