Chủ động, linh hoạt và có phương án dự phòng khi xây dựng kế hoạch kiểm toán

(BKTO) - Thời điểm này, cùng với việc tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2022, các đơn vị cũng đồng thời chuẩn bị lập KHKT năm 2023. Theo chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, việc lựa chọn đầu mối kiểm toán, cũng như xây dựng KHKT phải đảm bảo linh hoạt, có phương án dự phòng để sẵn sàng thích ứng với tình hình mới.




Kế hoạch kiểm toán năm là công cụ chủ yếu của KTNN để quản lý hoạt động kiểm toán -Ảnh tư liệu

Nắm rõ và vận dụng linh hoạt khi thực hiện các bước lập KHKT
Lập KHKT là giai đoạn đầu tiên mà các kiểm toán viên cần thực hiện trong mỗi cuộc kiểm toán nhằm tạo ra các điều kiện pháp lý cũng như các điều kiện cần thiết khác cho cuộc kiểm toán. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cuộc kiểm toán, là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả chung của toàn bộ cuộc kiểm toán. Tại KTNN, quy trình lập KHKT đã được xác định rõ trong nhiều văn bản có liên quan, đặc biệt là trong Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và ban hành KHKT tổng quát của cuộc kiểm toán.
Theo đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, việc lập KHKT phải tuân thủ đúng theo quy định, trình tự cũng như các mẫu biểu có liên quan. Theo đó, quy trình lập KHKT hiện hành cơ bản gồm 6 bước: Khảo sát, thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán; đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và phân tích thông tin đã thu thập; xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; lập KHKT; thẩm định, xét duyệt KHKT, hoàn thiện KHKT và ban hành quyết định kiểm toán. Trên cơ sở khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, thông tin về tài chính và các thông tin khác về đơn vị được kiểm toán, KHKT tổng quát được lập theo quy định tại Chuẩn mực KTNN 1300, Chuẩn mực KTNN 3000, Chuẩn mực KTNN 4000 và theo mẫu KHKT do Tổng Kiểm toán nhà nước quy định.Đây là những yêu cầu cơ bản mà các đơn vị, kiểm toán viên khi được giao nhiệm vụ xây dựng KHKT phải nằm lòng để tránh sơ suất và những rủi ro đáng tiếc, gây khó khăn cho quá trình triển khai kiểm toán.
Nhấn mạnh vai trò của việc lập KHKT, đại diện Vụ Tổng hợp cho rằng, KHKT năm là công cụ chủ yếu của KTNN để quản lý hoạt động kiểm toán, đảm bảo hoạt động kiểm toán được diễn ra theo đúng định hướng. Do đó, ngay từ khâu lập KHKT, các đơn vị phải bám sát các định hướng chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm toán của Ngành và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để tập trung xây dựng KHKT đảm bảo theo đúng mục tiêu đề ra.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc xây dựng KHKT phải có sự linh hoạt, đảm bảo tính khả thi cũng như khả năng dự báo trước những biến động, đại diện các đơn vị kiểm toán cũng cho biết, khi triển khai thu thập thông tin nhằm phục vụ xây dựng KHKT tổng quát, lãnh đạo đơn vị đều yêu cầu kiểm toán viên phải đặc biệt lưu ý các nội dung này, đồng thời đưa ra thuyết minh cụ thể đối với từng phương án lựa chọn nội dung kiểm toán trước khi đề xuất với lãnh đạo KTNN. “Phát huy kết quả đạt được từ những năm trước, tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước là nâng cao tính dự báo trong lập KHKT, đơn vị đang tích cực triển khai để đảm bảo nội dung đề xuất có chất lượng, tính khả thi cao nhất” - lãnh đạo KTNN khu vực II cho biết.

Bám sát cách tiếp cận kiểm toán dựa trên xác định rủi ro, đánh giá trọng yếu
Một trong những vấn đề được lưu ý đối với đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên trong quá trình thu thập thông tin để lập KHKT, đó là cần chú trọng việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi tiếp cận đối tượng kiểm toán.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cho rằng, do đối tượng kiểm toán của KTNN rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, việc xác định đối tượng kiểm toán cụ thể là không dễ dàng. Theo đó, việc tiếp cận thông tin để xây dựng KHKT dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu sẽ giúp kiểm toán viên giới hạn phạm vi và lựa chọn được vấn đề, đối tượng kiểm toán một cách phù hợp, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, việc xây dựng KHKT với yêu cầu về tính dự báo, có phương án dự phòng cũng đòi hỏi kiểm toán viên phải xếp thứ tự ưu tiên các vấn đề, dựa trên mức độ rủi ro, trọng yếu được xác định để lựa chọn nội dung, đối tượng kiểm toán phù hợp.
Theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh (Viện Kế toán - Kiểm toán), các vấn đề được lựa chọn kiểm toán thường là các lĩnh vực được công chúng quan tâm, tiềm ẩn nhiều rủi ro; những chủ đề có mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán phù hợp với định hướng xây dựng KHKT, cũng như Chiến lược phát triển KTNN. “Ngoài cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, việc lựa chọn nội dung kiểm toán cũng cần căn cứ vào loại hình kiểm toán mà cơ quan kiểm toán dự định áp dụng” - PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh lưu ý và cho biết thêm, việc áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu khi xây dựng KHKT giữa các loại hình, lĩnh vực kiểm toán khác nhau cũng có sự khác nhau, đòi hỏi kiểm toán viên phải được quán triệt, phổ biến, hướng dẫn trước khi tiến hành thu thập, đánh giá thông tin.
Theo ThS. Lê Thị Như Quỳnh (Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp), cách tiếp cận xây dựng KHKT dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu của KTNN cơ bản tương đồng với cách thức được KTNN một số quốc gia đang thực hiện. Khi lựa chọn vấn đề để đưa vào KHKT năm, kiểm toán viên phải đặc biệt quan tâm đến hai yếu tố: độ lớn tài chính và khả năng sai phạm của đối tượng kiểm toán. Muốn vậy, các bộ phận, kiểm toán viên được giao nhiệm vụ phải tận dụng thông tin, kinh nghiệm và hiểu biết của mình để đưa ra những đánh giá phù hợp.
Nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng lập KHKT, lãnh đạo Vụ Tổng hợp đề nghị các đơn vị kiểm toán cần tăng thời gian, nhân lực và mở rộng phạm vi khảo sát, thu thập thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu và lựa chọn được đối tượng kiểm toán phù hợp. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo KTNN đối với hoạt động kiểm toán, mà còn giúp rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị./.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chủ động, linh hoạt và có phương án dự phòng khi xây dựng kế hoạch kiểm toán