Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá

(BKTO) - Sau “cơn bão lớn” phágiá đồng Nhân dân tệ (CNY) với tổng cộng 4,6% của Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBOC) tuần qua gây ảnh hưởng tới thịtrường tiền tệ châu Á cũng như toàn thế giới, tâm lý thị trường trong nước vẫncòn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điềuchỉnh tăng lãi suất. Để ứng phó vớinhững diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và chủ động dẫn dắt thịtrường, ngày 19/8, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã công bố quyết địnhđiều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% , đồng thời tiếp tục tăngbiên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.




Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY sẽ tạo ra làn sóng xuất khẩu mới từ Trung Quốc sang Việt Nam và làm gia tăng nguy cơ nhập siêu của chúng ta từ Trung Quốc. Ảnh: T.K
Mức điều chỉnh thêm 1% cho phép tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam (VND) và đồng USD áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ mới, tỷ giá trần hiện là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN điều chỉnh tỷ giá. Đồng thời, chỉ trong vòng 1 tuần, NHNN đã hai lần nới biên độ tỷ giá.

Theo NHNN, với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, không chỉ từ nay đến cuối năm mà còn cả những tháng đầu năm 2016, tỷ giá VND có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đây là bước đi hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh đồng CNY của Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, bị sụt giảm.

Trước đó, ngày 12/8/2015, sau hơn 4 năm kể từ ngày 11/02/2011, NHNN đã trở lại chính sách điều chỉnh biên độ tỷ giá bằng quyết định tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Tại cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc đồng CNY của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vừa qua, quyết định này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá là bước đầu phù hợp, kịp thời. Bên cạnh đó, không ít chuyên gia kinh tế đã dành lời khen ngợi cho nhà điều hành bởi việc nới rộng biên độ giao dịch cho phép các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá theo cung cầu thị trường một cách linh hoạt hơn. Động thái này còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam từ việc Trung Quốc phá giá đồng CNY.

Sự biến động liên tiếp của tỷ giá trong những ngày qua cho thấy, mọi kịch bản đều có thể xảy ra đối với nền kinh tế song trong điều hành vĩ mô, sự chủ động và linh hoạt đóng vai trò quan trọng. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với các Bộ, ngành vừa qua. Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, thị trường; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

Ở thời điểm này, khi cơn bão giá đồng CNY vẫn chưa xa và còn đó những tàn dư trên thị trường tài chính tiền tệ, bài học về sự chủ động, linh hoạt để ứng phó với những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới lại tiếp tục được các chuyên gia nhấn mạnh. Đặt giả thiết Trung Quốc có thể sẽ lại phá giá đồng CNY, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị: Việt Nam phải tự bảo vệ mình trên cơ sở sớm xây dựng chương trình hành động, có phương án “đáp trả” một cách hệ thống từ Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước đến DN.

Một yêu cầu được Chính phủ đặt ra đối với NHNN thời gian tới là tiếp tục thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều đột biến nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế lớn, chính sách điều hành tỷ giá sẽ khó tránh khỏi những áp lực và thách thức, đòi hỏi NHNN càng phải chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành, quản lý.

Không chỉ trong điều hành tỷ giá, TS.Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế (Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo: Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY sẽ tạo ra làn sóng xuất khẩu mới từ Trung Quốc sang Việt Nam và làm gia tăng nguy cơ nhập siêu của chúng ta từ Trung Quốc; trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và Nhật Bản lại đứng trước nguy cơ bị suy giảm do đồng Việt Nam neo đồng USD với tỷ giá cao. Rõ ràng, nhập siêu đã trở thành một vấn đề mới của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong triển vọng của năm 2015. Điều này cũng phù hợp với con số mà Tổng cục Hải quan vừa công bố là Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 19 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2015, cao hơn khoảng 5 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái và gấp 5,5 lần mức nhập siêu chung của cả nước.

Trước những biến động của tỷ giá do ảnh hưởng của việc đồng CNY bị giảm giá mạnh, cùng với sự chủ động, nỗ lực của các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý có liên quan, nhiều lời khuyên của các chuyên gia đối với cộng đồng DN Việt được đưa ra; trong đó DN cần phải lưu ý phân tích tình hình thị trường, nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như thách thức và cơ hội để kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường.

NGỌC MAI

Cùng chuyên mục
Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá