Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp

(BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp.

2-.jpg
Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Ảnh: ST

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, tầm quan trọng của Hiến pháp, khẳng định “Hiến pháp là một đạo luật gốc của nước nhà”. Vì vậy, Người sớm đưa ra việc xây dựng Hiến pháp của đất nước. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên.

Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những việc cần làm ngay của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp. Người nêu rõ: Do bị chế độ quân chủ chuyên chế rồi đến chế độ thực dân cũng không kém phần chuyên chế, mà nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ.

Từ đó, Người xác định: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” và đề nghị: “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Và giữa bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng thành công Hiến pháp năm 1946. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để chúng ta thành công trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc với thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ.

Trong xây dựng cũng như sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc và hiệu quả. Người luôn nêu rõ các cơ sở pháp lý của việc xây dựng, sửa đổi Hiến pháp. Như năm 1959, trong sửa đổi Hiến pháp năm 1946, Người chỉ rõ Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp dân chủ đầu tiên ở nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó và trên thực tế Hiến pháp năm 1946 “đã hoàn thành sứ mệnh của nó”. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì Hiến pháp năm 1946 không thích hợp nữa. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp năm 1946.

2b.png
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: ST

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công việc dự thảo Hiến pháp sửa đổi “là một quá trình làm việc lâu dài, chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng”. Khi được Quốc hội giao nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1946 đã liên tục làm việc và đã họp 27 lần để làm xong Dự thảo trình trước Quốc hội. Trong báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn, khiêm tốn, cầu thị trình bày: “Chúng tôi có cố gắng, nhưng ý kiến của chúng tôi có hạn. Chúng tôi mong các vị đại biểu Quốc hội thảo luận và cho thêm ý kiến để Quốc hội thông qua. Sau khi được Quốc hội thông qua, bản dự thảo này sẽ thành Hiến pháp mới của nước ta”.

Trong xây dựng và sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, tôn trọng vai trò đóng góp của nhân dân. Khi kêu gọi nhân dân góp ý vào Dự thảo Hiến pháp năm 1946, Người xác định Hiến pháp là một đạo luật gốc của nước nhà, “do toàn thể nhân dân phúc quyết”. Người trân trọng kêu gọi đồng bào cả nước, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, bất kỳ dân tộc nào, tôn giáo nào, cũng hãy cùng hăng hái tham gia ý kiến vào bản dự thảo Hiến pháp.

Đến năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1946 đã có những chỉ đạo cụ thể, cách làm hay, thiết thực để huy động nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi. Trong 4 tháng liền, nhân dân cả nước đã tích cực, hăng hái, sôi nổi tham gia góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi có đủ các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều thư đóng góp ý kiến của cá nhân và tập thể, trong đó có cả những thư góp ý kiến của đồng bào miền Nam và của kiều bào ở nước ngoài được gửi về Ban sửa đổi Hiến pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban sửa đổi Hiến pháp rất tôn trọng, đã nghiên cứu, thảo luận kỹ những ý kiến đóng góp của nhân dân và trên cơ sở của việc nghiên cứu và thảo luận, đã chỉnh lý lại bản dự thảo. Đồng thời, Người và Ban sửa đổi Hiến pháp cũng chuyển những ý kiến góp ý về những vấn đề chi tiết khác thuộc phạm vi hoạt động của các cơ quan nhà nước tới các cơ quan phụ trách để nghiên cứu.

Tư tưởng, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và sửa đổi Hiến pháp được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta triển khai thực hiện tốt trên thực tế. Cụ thể, chúng ta đã làm tốt việc sửa đổi Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, chúng ta đang tích cực tiến hành sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, chúng ta sẽ sửa 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, dành thời gian 1 tháng để các tầng lớp nhân dân góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi một số điều đó. Mặc dù chúng ta chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhưng tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm của Đảng, Quốc hội là việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri và nhân dân đóng góp ý kiến, đồng thời lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân để sửa đổi đạt kết quả tốt nhất.

Chúng ta tin tưởng, kỳ vọng vào thành công của việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhân dân ta ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Cùng chuyên mục
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp