Chủ tịch nước biểu dương ngành Dệt may vừa sản xuất vừa chống dịch

(BKTO) - Gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành Dệt may vào chiều 3/8, Chủ tịch nước ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, công nhân, người lao động của Ngành; vừa duy trì tăng trưởng, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.



                
   

Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: VGP

   

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nửa đầu năm nay, thị phần của ngành Dệt may tăng lên 6,7% so với mức 5% của cùng kỳ năm ngoái. 7 tháng, toàn Ngành xuất khẩu đạt gần 23 tỷ USD. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay, toàn Ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD.

Đối với công tác phòng, chống dịch, Ngành đã áp dụng phương châm “3 tại chỗ” nên đảm bảo được 80% yêu cầu công việc so với lúc bình thường. Tuy nhiên, nỗi lo của các doanh nghiệp hiện nay chính là lao động nghỉ việc do dịch bệnh, nhiều nhất là khu vực phía Nam. Do đó, các doanh nghiệp dệt may đề nghị Nhà nước quan tâm sớm tiêm vắc xin cho hơn 3 triệu công nhân lao động ngành Dệt may.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh, nếu mọi ngành đều dừng hoạt động, thì đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, những điển hình tiên tiến của ngành Dệt may là minh chứng cho thấy, trong khó khăn vẫn có nhiều tấm gương sáng vươn lên, vượt khó khăn, có mô hình hiệu quả, để vừa bảo vệ sức khỏe của công nhân, vừa duy trì sản xuất, lo cho đời sống của công nhân lao động.

Chủ tịch nước yêu cầu Tập đoàn và Hiệp hội tiếp tục phát huy kết quả đạt được, bám sát thực tiễn, có chính sách kịp thời, sáng tạo, linh hoạt, tự lực tự cường, hoàn thành mục tiêu kép.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ưu tiên lớn nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của công nhân, tiếp tục hạn chế thấp nhất số ca F0 như hiện nay. Toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cần động viên công nhân lao động, quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập, việc làm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, không để ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là phát huy tối đa năng lực sản xuất ở các vùng nguy cơ dịch bệnh thấp, giữ gìn chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Dệt may; có phương án chuẩn bị sẵn sàng để khi kiểm soát được dịch bệnh thì bắt tay ngay vào đẩy mạnh sản xuất…./.

THIỆN TRẦN
Cùng chuyên mục
Chủ tịch nước biểu dương ngành Dệt may vừa sản xuất vừa chống dịch