Chủ tịch Quốc hội: Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở một số định hướng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hai bên, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác Việt Nam - Trung Quốc.

Chiều 10/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, tại thành phố Thượng Hải - trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

100420240636-1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự  Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng nhận thấy, quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều tiến triển mới, to lớn, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Trong đó, về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt hơn 170 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới và đối tác lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Trung Quốc có hơn 4.400 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 đối tác đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ và đã có sự xuất hiện của nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực như: công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng mới...

100420240621-2.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Nhận định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những yếu tố giúp Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này như: hai nước đều có nền kinh tế mở với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế; hai nền kinh tế có sự tương thích, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau; hai bên có cùng nhận thức và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều cơ chế hợp tác như Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Vành đai và con đường, Phát triển toàn cầu, An ninh toàn cầu và Văn minh toàn cầu...

Hai bên tiếp tục là thành viên tích cực của nhiều cơ chế hợp tác đa phương như các cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, RCEF và nhiều cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư đã ký kết...

Phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên

Cho rằng, doanh nghiệp hai nước có đầy đủ khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương và hợp tác, để cùng trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực cũng như toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội gợi mở một số định hướng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hai bên, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác giữa hai nước.

Một là, tăng cường hợp tác giữa Quốc hội, Chính phủ và các địa phương hai nước để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh thích ứng với thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ và môi trường quốc tế hiện nay.

Hai là, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên tinh thần “cùng thắng, cùng có lợi”, đặc biệt là cùng cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, nhất là triển khai kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, con đường”; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; các bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, dữ liệu số...

100420240655-3.jpeg
Quang cảnh Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Ba là, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc, Thượng Hải đầu tư vào các lĩnh vực như: khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế nhân tạo, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, tài chính xanh, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, linh kiện điện tử, ô tô điện, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao...

Nhấn mạnh, đây là những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.

Bốn là, đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ (G2G), Hiệp hội với Hiệp hội và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) để thúc đẩy và khơi thông các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh của mỗi nước trong bối cảnh mới.

Năm là, các cơ quan hữu quan Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác song phương, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thông quan để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc thương mại tại cửa khẩu.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã trao đổi thông tin về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như các định hướng chiến lược thu hút đầu tư và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai bên...

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã dự Lễ kỷ niệm 10 năm mở đường bay đến Trung Quốc (2014 - 2024) và công bố đường bay thẳng kết nối TP. Hồ Chí Minh với Tây An, Trung Quốc của Hãng Hàng không Vietjet.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Vietnam Airlines đã công bố kế hoạch đưa vào khai thác máy bay thân rộng Boeing 787 trên đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cụ thể, từ tháng 6/2024, Vietnam Airlines sẽ bổ sung khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Hà Nội và Thượng Hải, Bắc Kinh. Từ tháng 7/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác máy bay thân rộng cho tất cả chuyến bay giữa TP. Hồ Chí Minh và Thượng Hải.

Cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội: Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển