
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự Phiên họp.
Nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về điều chỉnh mức lương cơ sở, ngân sách nhà nước (NSNN) chi tăng thêm hơn 188 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ 01/7/2024.
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng thêm 68,3%) cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 01/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Điều này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ NSNN; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.
Về kiến nghị, đề xuất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV kết quả rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương.
Đồng thời, chỉ đạo các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp theo định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026 bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của NSNN” - Chính phủ kiến nghị.
Chưa có căn cứ, cơ sở điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2026
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán, làm rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy giảm được bao nhiêu biên chế; từ đó, tiết kiệm ngân sách như thế nào để bố trí cho việc đầu tư, phát triển, chế độ chính sách, an sinh xã hội. Tới đây khi sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc là bao nhiêu. Qua đó, đưa những con số này vào trong báo cáo để giải thích rõ.

“Những vấn đề này chúng ta làm đều phải có tính toán cân đối cho kỹ. Cải cách tiền lương là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chính sách tiền lương tới đây phải làm sao khuyến khích tăng lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để trả lương, thưởng. Hơn nữa, thời gian tới phải giảm phụ thuộc vào phụ cấp, bảo đảm tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị nhà nước, doanh nghiệp có tính toán cho hài hoà.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước hạn chế, nhiệm vụ sắp tới hết sức nặng nề khi vừa phải tiếp tục thực hiện chính sách này, vừa phải gắn với sắp xếp bộ máy chính trị, tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế sau sắp xếp đòi hỏi phải dành nguồn ngân sách lớn để chi cho người nghỉ hưu sớm, nhân sự dôi dư, đồng thời, phải có nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công chi cho viên chức về hưu sớm hoặc thôi việc.
Giải trình thêm tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp đề xuất Ban Chấp hành Trung ương đánh giá Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ đó có giải pháp căn cơ, chiến lược để thực hiện chính sách tiền lương lâu dài.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ thống kê số liệu tinh giản biên chế của cả nước, từ đó tính toán nguồn kinh phí chi trả, đồng thời có giải pháp cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Thời điểm này, chưa có căn cứ, cơ sở để đề xuất thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2026” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.