Chú trọng chuyển giao, làm chủ công nghệ trong đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Đ. KHOA - TIẾN THÀNH | 13/11/2024 22:03

(BKTO) - Thống nhất cao về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực khi đầu tư Dự án.

94a75b24ec5c57020e4d.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Đ. KHOA

Triển khai dự án với thời gian nhanh nhất

Sáng 13/11, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc thực hiện dự án góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cả nước, đồng thời là động lực tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh nằm trong hành lang tuyến đường sắt tốc độ cao phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, chủ trương đầu tư dự án này rất cần thiết, là nguyện vọng của đại đa số người dân, vì nước ta có địa lý chạy theo chiều dài cần có đường giao thông chính. Đồng thời, hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng giao thương với các nước trong khu vực, trong đó có nền kinh tế lớn Trung Quốc.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương thì dự án khởi công vào năm 2027 và khánh thành vào năm 2035. “Tôi muốn thời gian nhanh hơn, vì kinh nghiệm cho thấy nếu càng nhanh lợi ích từ máy móc, thiết bị càng hiệu quả hơn. Cùng với đó, chúng ta có đủ nguồn lực về con người, phương tiện kỹ thuật lẫn kinh phí để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hơn để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu nói.

74791b7eb7050c5b5514.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: TIẾN THÀNH

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng việc triển khai đường sắt tốc độ cao cả nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước, chứ không tập trung vào địa phương nào. Đặc biệt, Dự án sẽ thúc đẩy phát triển logistic hàng hóa Bắc - Nam, không còn những điểm nghẽn vì giao thông như hiện nay. “Việc phát triển đường sát để kết nối với tuyến đường sắt Bắc Á để vận chuyển hàng hóa, xuất khẩu quốc tế là rất cần thiết” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo chủ trương thì dự án chỉ vận chuyển hành khách còn hàng hóa chỉ vận chuyển khi cần thiết. Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án được sắt tốc độ cao này phải được phát triển theo tuyến lưỡng dụng, tức là cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa để bảo đảm hiệu quả.

Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư lên đến 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Theo các đại biểu, đây là một khoản kinh phí khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng Việt Nam. Con số này vượt xa 114% so với tổng mức vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021–2025. Ngay cả dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - vốn được xem là dự án trọng điểm, phức tạp nhất quốc gia với tổng vốn 16 tỷ USD - cũng chỉ chiếm khoảng 24% so với số vốn mà dự án đường sắt tốc độ cao yêu cầu.

Nhất trí cao về chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) cho rằng, thời điểm này đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có lộ trình cụ thể đầu tư cho Dự án này; đồng thời, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu tối về lãng phí, đảm bảo an toàn cân đối nền kinh tế, giải quyết hài hòa các bài toán kinh tế khác, tránh quá chú trọng đến Dự án này mà làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế.

Đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn và chuyển giao công nghệ

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đầu tư Dự án song với quy mô dự án lớn các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đánh giá tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp, khả thi, bảo đảm hiệu quả đầu tư Dự án.

dsc_5824.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông), vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Do đó, Báo cáo khả thi cần làm rõ hơn về nội dung này, trong đó cần bổ sung phân tích, làm rõ hơn tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn sau; về khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN; về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho Dự án... “Cần dự báo, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh để đưa ra hướng giải quyết kịp thời, phù hợp trong quá trình triển khai” - đại biểu nêu quan điểm.

Quan tâm tới vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện, các đại biểu cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, dự trù được những vấn đề phát sinh để đảm bảo việc triển khai Dự án theo đúng tiến độ, chất lượng cũng như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm thời gian khánh thành như dự kiến, để chúng ta chủ động trong việc vận hành cũng như không lệ thuộc vào thiết bị của nước ngoài.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) lưu ý, vấn đề cần quan tâm là công nghệ ở đâu và độ bền lâu dài, hiệu quả của nó như thế nào để phát huy tác dụng. Vì vậy, phải nghiên cứu tìm xem công nghệ nào hiệu quả và cần rút kinh nghiệm của nhiều quốc gia để chúng ta tính toán vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, toàn bộ hệ thống trang thiết bị sau này chúng ta tự chủ đến đâu cũng là vấn đề cần đặt ra. “Khi xong đường sắt rồi mà tới cả các cơ khí nhỏ, những toa tàu, những phương tiện kỹ thuật khác chúng ta đều phải nhập của nước ngoài hết, mình không tự sản xuất, không tự làm chủ được thì cái đó cũng dẫn tới lãng phí, hao tốn nhiều và lệ thuộc lớn. Cái này đã chuẩn bị như thế nào báo cáo Chính phủ chưa nêu hết” - đại biểu Đặng Thuần Phong băn khoăn.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng lưu ý việc kết nối đường sắt cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu. Do đó, cần có những tính toán kỹ lưỡng về phương án đầu tư kết nối, đảm bảo sự đồng bộ để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.

Cùng chuyên mục
  • Linh hoạt nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế linh hoạt nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
  • Nhu cầu vàng toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong quý III/2024
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong quý III.
  • Sửa Luật Đầu tư công: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
  • Thủ tục phức tạp, nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trình tự, thủ tục còn phức tạp, quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án. Cùng với đó, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, chậm định giá đất… vẫn còn nhiều bất cập. Đây là những vướng mắc chính khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ.
  • Thanh Hóa vào top 5 địa phương huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước
    một tháng trước Đầu tư
    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ; đồng thời xác định “Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển” là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội.
Chú trọng chuyển giao, làm chủ công nghệ trong đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam