Chú trọng đổi mới công nghệ và gia tăng hợp tác – giải pháp giúp giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng

(BKTO) - Tại Hội thảo giáo dục Việt Nam được tổ chức trực tuyến trong 02 ngày 09-10/9 với chủ đề "Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng", các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để giúp giáo dục đại học (GDĐH) sớm vượt qua khủng hoảng từ Covid-19, trong đó tập trung nhấn mạnh vai trò của công nghệ và gia tăng hợp tác giữa các trường.



Thách thức và cơ hội từ đại dịch

Các chuyên gia nhận định: Đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm vừa qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với mọi mặt trong xã hội trên khắp toàn cầu. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nền giáo dục thế giới đang trải qua cơn khủng khoảng tồi tệ nhất trong thế kỷ này, GDĐH cũng không phải là ngoại lệ.
                
   

Do dịch bệnh, hầu hết các trường ĐH phải đóng cửa, nhiều trường cũng giảm ngân sách đầu tư. Ảnh: N.LỘC

   

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều trường ĐH đã bị cắt giảm ngân sách; tư nhân hóa, số hóa, đại chúng hóa và quốc tế hóa GDĐH đã làm lộ rõ tình trạng mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng kinh niên và đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải bắt đầu thay đổi để tồn tại và phát triển.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo, các nhà giáo dục đang nỗ lực thực hiện cải cách hệ thống GDĐH, từ đó từng bước thúc đẩy việc xác định lại các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như nhận thức lại chất lượng và đảm bảo chất lượng trong GDĐH.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc nắm bắt những thông tin, khuyến nghị chính sách từ nhiều nhà khoa học cần tiếp tục được cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh GDĐH đang đứng trước nhiều thách thức, có những thách thức chưa từng có, như hiện nay.

TS. Phan Lê Hà, đến từ ĐH Brunei Darussalam cho rằng, đại dịch đã mang lại những thách thức, triển vọng, tình huống khó xử và những cơ hội mới. “Tất cả buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về GDĐH, về cách thức tiếp cận để phát triển giáo dục bền vững trong tương lai” - TS. Phan Lê Hà nhấn mạnh.

PGS,TS. Nguyễn Tiến Trung - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Giáo dục cho biết, dù không mong muốn, nhưng dịch bệnh cũng là cơ cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ và tìm kiếm những ý tưởng nghiên cứu tốt của mình, cùng gặp gỡ và có thể kết nối nhằm tạo cộng đồng nghiên cứu về khoa học giáo dục mạnh mẽ hơn, góp phần phục vụ nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.

Bà Đàm Bích Thủy (ĐH Fulbright) cho biết, giống như rất nhiều tổ chức khác, GDĐH dễ bị tổn thương, ĐH Fulbright cũng không ngoại lệ. Theo bà Thủy, khi đối mặt với khủng hoảng, chúng ta buộc phải phát huy tối đa ý chí và sự linh hoạt để thích nghi với một hệ sinh thái mới với những thử thách mới. Đổi mới, sáng tạo và sự năng động là chìa khóa để duy trì các hoạt động một cách bình thường nhất có thể.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ và mở rộng quan hệ hợp tác

TS. Nguyễn Thụy Phương (ĐH Paris) chia sẻ: Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, khi mà GDĐH đang chịu ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, nhất thiết cần phải có một giải pháp lâu dài, bền vững cho GDĐH thích ứng và tồn tại. Trong đó, công nghệ đã và đang định hình là yếu tố quyết định đến việc duy trì hoạt động giáo dục trong nhà trường, cộng đồng.

TS. Nguyễn Thụy Phương cho biết, trước đại dịch, các vấn đề như công nghệ, hợp tác, quốc tế hóa,... đã trở thành những cuộc cải cách ở nhiều quốc gia. Trong đại dịch và hậu đại dịch, các vấn đề này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

“Nhìn toàn cảnh và vĩ mô thì các cơ sở ĐH của các quốc gia đều thích ứng nhanh, giảng đường đóng cửa thì giảng viên và sinh viên gặp nhau trên zoom, teams…” – TS. Nguyễn Thụy Phương cho biết.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ, GDĐH cần có thời gian để thích ứng với điều kiện mới, khi việc học tập không trên cùng một không gian địa lý. Chưa kể, do các giải pháp công nghệ hiện nay vẫn mang tính tình thế và chưa thể giải quyết những yêu cầu của thực tiễn như việc đi thực tập, nghiên cứu...
                
   

Có thời điểm, việc học tập của sinh viên bị ảnh hưởng do chưa thể thích ứng kịp thời với diễn biến dịch bệnh. Ảnh: N.LỘC

   

TS. Phan Vũ Xuân Hùng (ĐH Fulbright Việt Nam) cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng GDĐH toàn cầu bất đắc dĩ phải thử nghiệm hình thức học tập trực tuyến mà chưa có sự chuẩn bị kỹ và đòi hỏi mỗi giảng viên phải đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm của sinh viên.

Chia sẻ kinh nghiệm, TS. Phan Vũ Xuân Hùng cho rằng, quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH quốc tế đã và đang là một trong những lợi thế to lớn của Fulbright. Mới đây, ĐH Dartmouth và Fulbright đã cùng thiết kế một khóa học liên kết, cho phép sinh viên từ Hoa Kỳ và Việt Nam học tập cùng nhau và học hỏi lẫn nhau.

Các khóa học liên kết là một hướng đi mới trong xu hướng trao đổi giáo dục quốc tế. Trong tương lai, giáo dục toàn cầu sẽ chứng kiến sự gia tăng hợp tác xuyên quốc gia, tăng cường áp dụng các nền tảng công nghệ sẵn có cũng như các nền tảng mới. Mô hình này tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác, cho phép sinh viên kết nối linh hoạt hơn với các bạn học và chuyên gia trên khắp thế giới. Nhờ có công nghệ, sinh viên giờ đây có thêm nhiều lựa chọn trong học tập hơn so với các thế hệ đi trước.

“Thái độ sẵn sàng hợp tác và tin tưởng lẫn nhau chính là tiền đề để các cơ sở GDĐH chuyển đổi một cách hiệu quả hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, cả về không gian và thời gian” - TS. Phan Vũ Xuân Hùng chia sẻ.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chú trọng đổi mới công nghệ và gia tăng hợp tác – giải pháp giúp giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng