Chưa có căn cước công dân gắn chíp, khác hàng cần làm gì để xác thực sinh trắc học?

(BKTO) - Một trong những bước quan trọng khi tạo lập dữ liệu sinh trắc học trên các app ngân hàng là chụp hai mặt Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Vậy trường hợp khách hàng vẫn đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc chưa có CCCD gắn chíp sẽ phải làm thế nào?

sinh-trac-hoc.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khách hàng có thể đăng ký thông tin sinh trắc học trực tiếp tại quầy giao dịch

Từ ngày 01/7 tới, khách hàng muốn chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học.

Theo hướng dẫn của NHNN tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), trường hợp khách hàng chưa có Căn cước, CCCD gắn chíp, chỉ có Chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chíp (nhưng phải còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), nếu có nhu cầu thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng thì đăng ký thông tin sinh trắc học trực tiếp tại quầy giao dịch.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) cần hỗ trợ khách hàng thực hiện xác thực bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC (chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication), biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 được thực hiện: Thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (các đơn vị cần tích hợp ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ này).

Biện pháp thứ hai là khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra thực hiện như sau: Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chíp của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chíp của đơn vị; Hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Trong thời gian tới, khi Bộ Công an cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, các ngân hàng sẽ triển khai tích hợp ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cho phép khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thông qua tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp.

Theo thống kê của NHNN, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.

Bên cạnh đó, theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.

Bảo đảm an toàn trong giao dịch ngân hàng trực tuyến

Trước tình hình tội phạm mạng diễn biến phức tạp, bên cạnh việc các ngân hàng triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin (như theo Quyết định 2345), người dân cũng cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng, tuân thủ đúng các hướng dẫn về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn.

NHNN khuyến cáo tới người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng, tránh bị rủi ro mất tiền trong tài khoản:

Tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch.

Đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.

Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web… cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng,

Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ Tên đăng nhập/ Mật khẩu khách hàng, cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp mất thẻ, cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ.

Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.

Gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng.

Chỉ cài đặt các ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Khi cài đặt ứng dụng vào thiết bị, cần kiểm tra thông tin nhà phát triển ứng dụng, xem xét kỹ quyền hạn của các ứng dụng. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để thiết bị nhận được các bản vá bảo mật mới nhất của hãng sản xuất.

Tiến hành mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.

Chủ động giữ gìn, bảo mật các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ, từ các phương tiện truyền thông đại chúng./.

Cùng chuyên mục
Chưa có căn cước công dân gắn chíp, khác hàng cần làm gì để xác thực sinh trắc học?