Chưa điều chỉnh phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026

(BKTO) - Sáng 24/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

202504241022035257_z61_9258.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có các chủ trương mới, liên quan trực tiếp tới phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước, như việc sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn học phí, bảo đảm trật tự, an ninh, quốc phòng, ưu tiên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo…

Đồng thời, làm căn cứ để Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026; xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và số bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng địa phương.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến đề nghị chưa xem xét, ban hành Nghị quyết vào thời điểm này.

Theo Tờ trình, thời điểm 30/4/2025 được lấy làm căn cứ để xác định các chỉ tiêu, định mức liên quan đến đơn vị hành chính quy định tại Dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, thời điểm này theo cơ quan thẩm tra là chưa phù hợp.

Sau sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc áp dụng định mức tại các địa phương không chỉ là việc thực hiện cộng “cơ học” mà cần được đánh giá tổng thể, có gắn với yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, đầu mối quản lý và nhu cầu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có địa giới hành chính mới. Việc áp dụng nhiều định mức khác nhau trên địa bàn 1 xã sau khi sáp nhập có thể gây khó khăn trong quản lý, điều hành - ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Hơn nữa, sau khi sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc xác định phân loại 4 vùng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đó có thể sẽ không còn phù hợp, theo đó không đủ căn cứ pháp lý để làm cơ sở xây dựng định mức phân bổ áp dụng trong năm 2026 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, một số nội dung liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong Dự thảo Nghị quyết đang được sửa đổi tại Luật Ngân sách nhà nước (Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9) đã bỏ kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm; thời kỳ ổn định ngân sách và tỷ lệ điều tiết.

202504241043560904_z61_9118.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Ngoài ra, một số chính sách mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có tác động đến các tiêu chí, định mức chi thường xuyên tại các địa phương.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Dự thảo Nghị quyết chưa đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện tới đây thì cần làm rõ khái niệm đô thị, nông thôn, đồng thời phải căn cứ vào Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải xử lý các vấn đề để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết về tổ chức bộ máy, chính sách miễn học phí... phải làm sao cập nhật được tình hình mới hiện nay trong Dự thảo Nghị quyết.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết và nhiều nội dung cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có nội dung thay đổi liên quan đến tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước…

Cùng với đó, cả nước đang chuẩn bị để thực hiện sáp nhập tỉnh, kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập cấp xã; nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến tiêu chí, định mức chi thường xuyên, bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung quan trọng đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới cũng sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, đặc biệt là chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với mầm non, phổ thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật tình hình, bám sát việc sửa đổi luật, nghị quyết liên quan tại Kỳ họp thứ 9, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sau Kỳ họp thứ 9.

Cùng chuyên mục
Chưa điều chỉnh phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026