Chưa đủ tiêu chuẩn, Sapa được "đặc cách" lên thị xã

(BKTO)- Sáng 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí để Lào Cai được nâng cấp Sapa từ huyện lên thị xã, theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt".



Thời gian qua, Lào Cai đã tập trung đầu tư phát triển Sapa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, số lượng khách du lịch đến Sapa tăng 23,4%/năm (riêng năm 2018 đã đón trên 2,5 triệu lượt khách). Trên địa bàn Sapa hiện có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành... Từ khi đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai thông xe đến nay, Sapa đã trở thành khu du lịch đại chúng, nảy sinh nhiều bất cập về văn minh du lịch, thương mại, cần phải có mô hình tổ chức quản lý phù hợp để giải quyết tốt những phát sinh về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
                
   

Sapa được "đặc cách" lên thị xã.

   

Chính vì vậy, Chính phủ cho rằng, thành lập thị xã Sapa trên cơ sở huyện Sapa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường thuộc thị xã Sa Pa trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cụ thể, trên cơ sở toàn bộ 681,37 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số 81.857 người và 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sa Pa sẽ sắp xếp, sáp nhập để thành lập 6 phường và 10 xã thuộc thị xã Sa Pa.

Báo cáo thẩm tra đề án này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và Phân loại đơn vị hành chính (Nghị quyết 1211) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Sa Pa chỉ xấp xỉ đạt 3/5 tiêu chuẩn; còn 2/5 tiêu chuẩn và 1 tiêu chí chưa đạt theo quy định, đó là: tiêu chuẩn tỷ lệ % số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã (mới đạt 37,5%/50%); khu vực đã được phân loại đô thị loại IV (chỉ chiếm 8,1%) không trùng khớp với khu vực dự kiến thành lập thị xã và tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với trung bình của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sa Pa là 44,34%, của tỉnh Lào Cai là 21,9%, trong khi quy định là đạt bình quân của tỉnh).

Mặc dù Sa Pa chưa đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định nhưng Chính phủ đề nghị áp dụng quy định “Trường hợp đặc biệt” tại Nghị quyết 1211. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thấy rằng, hiện nay chưa có văn bản nào xác định thế nào là “trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ có thể xác định Sa Pa thuộc trường hợp đặc biệt để áp dụng. Theo đó, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định, nhưng vì tính chất đặc thù, chỉ riêng Sa Pa có nên có thể được thành lập thị xã trước khi đạt được những tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211.

NAM SƠN(tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Chưa đủ tiêu chuẩn, Sapa được "đặc cách" lên thị xã