Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đảm bảo an toàn, minh bạch

(BKTO) - Đây là yêu cầu được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặt ra với các địa phương, khi thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022 (gọi chung là Kỳ thi), trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa Kỳ thi sẽ diễn ra trên toàn quốc.




                
   

Đảm bảo tốt công tác chuẩn bị để Kỳ thi diễn ra an toàn, minh bạch là yêu cầu quan trọng với ngành GD&ĐT. Ảnh tư liệu

   

Khẩn trương chuẩn bị cho công tác tổ chức thi

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương cho biết đã và đang tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức thi.

Năm nay, Hà Nội có gần 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm gần 1/10 tổng số thí sinh của cả nước. Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến thành lập 181 điểm thi, 4.070 phòng thi với khoảng 11.000 giáo viên được điều động làm nhiệm vụ coi thi. Với số lượng thí sinh lớn tham dự, công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi của Hà Nội về mọi mặt đang được khẩn trương triển khai.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hà Nội Trần Thế Cương, với mục tiêu phục vụ Kỳ thi đảm bảo an toàn, minh bạch, gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TP. Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản xử lý các tình huống. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, các trang thiết bị cần thiết khác để đảm bảo Kỳ thi được diễn ra ra thuận lợi.

Ghi nhận tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội), đến nay, công tác chuẩn bị tại các điểm thi đã hoàn tất. Để bảo đảm chất lượng Kỳ thi, Quận yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gần điểm thi bố trí phòng chờ cho phụ huynh trong suốt thời gian diễn ra Kỳ thi.

Trung tâm Y tế quận đã xây dựng phương án khử khuẩn trước và trong Kỳ thi; bố trí đầy đủ vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu theo đúng yêu cầu, đồng thời xây dựng phương án xử lý tình huống khi phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở và những bất thường khác.

Mới đây, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã công bố các số điện thoại đường dây nóng phục vụ Kỳ thi và Tổ cán bộ trực thanh tra Kỳ thi theo số điện thoại 0943469365. Theo đó, Tổ có nhiệm vụ trực, theo dõi, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến Kỳ thi, báo cáo Thanh tra Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo thi tỉnh và lãnh đạo Sở GD&ĐT theo quy định.

Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu của cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người dân phản ánh cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến Kỳ thi, Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng công bố các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh cũng như giải đáp thắc mắc trên địa bàn tỉnh.

         
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đồng loạt trên cả nước vào 07-8/7 tới. Năm nay, có 1.002.486 thí sinh đăng ký dự thi và ngày 24/7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp.


Nhấn mạnh công tác chuẩn bị là yếu tố rất quan trọng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi khẳng định, công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu sẽ đưa tới chất lượng, hiệu quả bấy nhiêu. Vì vậy, từ nay đến trước khi diễn ra Kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương chú trọng làm tốt công tác này, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, bộ phận tham gia phục vụ Kỳ thi.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế và đại diện 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Do đó, Bộ đề nghị các địa phương lường trước mọi vấn đề, đưa ra các phương án dự phòng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, như thiên tai, dịch bệnh… và các vấn đề khác; lường trước các phát sinh bất thường, đặc biệt trong quá trình tổ chức thi; bảo đảm tổ chức tốt nhất Kỳ thi trên địa bàn.

Đảm bảo yêu cầu thanh tra, giám sát kỳ thi an toàn, bảo mật

Bên cạnh trách nhiệm, tính nghiêm túc của mỗi thí sinh, Kỳ thi chỉ được diễn ra an toàn, bảo mật, minh bạch khi có sự tham gia hiệu quả của lực lượng thanh, kiểm tra. Xác định rõ vai trò này, ngay từ đầu tháng 6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi cho cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi ở khu vực trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại Kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: “Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi đã có nhiều năm làm công việc này nhưng cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ - hệ lụy, tác hại sẽ là rất lớn. Do đó chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là”, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường kỷ cương, nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ làm nhiệm vụ thanh, kiểm tra.

Nêu cụ thể về công tác này, ông Đỗ Anh Dũng - Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT huy động 6.780 cán bộ, giảng viên từ các trường đại học trong cả nước tham gia công tác kiểm tra thi tốt nghiệp THPT, cùng 540 cán bộ dự phòng. Việc xét chọn cán bộ tham gia làm nhiệm vụ thanh, kiểm tra rất khắt khe, khi cán bộ phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn như: nắm vững Quy chế, nghiệp vụ thi và nghiệp vụ kiểm tra thi; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; không có người thân tham dự Kỳ thi…

“Khác với kỳ thi năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phần lớn cán bộ tham gia công tác này chỉ thực hiện kiểm tra thi tại một khu vực, Kỳ thi năm nay, cán bộ, giảng viên tham gia công tác kiểm tra thi về khắp tỉnh, thành phố theo sự phân công của Bộ” - ông Đỗ Anh Dũng thông tin thêm.
                
   

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị tại một điểm thi. Ảnh sưu tầm

   

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đến nay, phần lớn các trường đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho kế hoạch thanh, kiểm tra. Nhiều cán bộ tham gia công tác thanh, kiểm tra tại Kỳ thi cũng thể hiện tâm thế cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang, công tác thanh kiểm tra được Sở GD&ĐT Tuyên Quang đặt ra yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về thanh tra, Quy chế thi tốt nghiệp THPT; tổ chức thanh tra các khâu của Kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, khách quan và tuân thủ theo quy định pháp luật. Đặc biệt, cán bộ thanh tra được quán triệt là không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đảm bảo an toàn, minh bạch