Chuẩn bị kiểm toán chuyên đề kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang triển khai 02 chuyên đề kiểm toán quan trọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết nhất từ trước đến nay.

a-thang.jpg
Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II: “Chưa bao giờ chuyên đề kiểm toán toàn Ngành được triển khai kỹ lưỡng như lần này”. Ảnh: Thùy Anh

Đề cương bài bản, chuẩn bị kỹ càng

Sáng 20/3, KTNN chuyên ngành II và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đồng chủ trì Tập huấn 02 đề cương kiểm toán chuyên đề toàn Ngành theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các KTNN khu vực. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo cuộc kiểm toán được thực hiện một cách chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

02 Đề cương kiểm toán chuyên đề đó là: “Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2022-2024 tại Bộ Tài chính và các địa phương” (Chuyên đề KKT, KCN) và “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Nghị định 167) và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167 (Chuyên đề 167).

dai-bieu.jpg
Các công chức, kiểm toán viên dự Tập huấn. Ảnh: Thùy Anh

Tại điểm cầu Hà Nội, lãnh đạo và công chức Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế, Thanh tra KTNN, KTNN chuyên ngành II, III, VI, KTNN khu vực I phụ trách, tham gia kiểm toán, tham gia thẩm định kế hoạch, báo cáo kiểm toán Chuyên đề, kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra liên quan đến nội dung 02 Chuyên đề dự Tập huấn.

diem-cau-lay.jpg
Các KTNN khu vực tham dự Tập huấn từ các điểm cầu. Ảnh: Thùy Anh

Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - đơn vị chủ trì thực hiện 2 cuộc kiểm toán Chuyên đề khẳng định rằng chưa bao giờ chuyên đề kiểm toán toàn Ngành được triển khai kỹ lưỡng như lần này.

Đây là cuộc Tập huấn chuyên đề toàn Ngành “lần thứ hai”, bởi trước đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chủ trì, với sự tham gia của các Phó Tổng Kiểm toán và toàn bộ lãnh đạo cấp vụ để thảo luận về đề cương các cuộc kiểm toán này. Sau đó, Tổng Kiểm toán nhà nước giao đơn vị chủ trì hoàn thiện đề cương, trình Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách và các vụ tham mưu thẩm định.

Đáng chú ý, cũng chưa có chuyên đề toàn Ngành nào mà các vụ tham mưu phải thẩm định đề cương đến 3 lần. Bên cạnh đó, ngày 17/3 vừa qua, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-KTNN về cơ chế phối hợp trong thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành và chuyên đề do nhiều đơn vị phối hợp thực hiện. Điều đó cho thấy, lãnh đạo KTNN yêu cầu và kỳ vọng rất lớn đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề.

a-ha.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề cương Chuyên đề KKT, KCN Ảnh: Thùy Anh

Đánh giá việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại KKT, KCN

Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề cương Chuyên đề KKT, KCN - cho biết: mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá thực trạng việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các KKT, KCN giai đoạn 2022-2024, trong đó chú ý về kết quả thu hút đầu tư, tạo việc làm, phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ...

Đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại KKT, KCN; tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư trong KKT, KCN.

Thông qua kết quả kiểm toán, chỉ ra các tồn tại, hạn chế để kiến nghị đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và thực hiện các chính sách; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; thông qua hoạt động kiểm toán phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (nếu có) và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đề cương cũng hướng dẫn kiểm toán chi tiết tại Bộ Tài chính; tại các sở, ngành, địa phương; tại cơ quan thuế; tại ban quản lý các KKT, KCN...

Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của lãnh đạo KTNN, đơn vị chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề đã xây dựng bộ câu hỏi kiểm toán với 6 nhóm câu hỏi.

a-dieu.jpg
Ông Cù Hoàng Diệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề cương Chuyên đề 167. Ảnh: Thùy Anh

Đánh giá thực trạng việc quản lý, sử dụng nhà, đất công và kiến nghị hoàn thiện chính sách

Theo ông Cù Hoàng Diệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề cương Chuyên đề 167, mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá thực trạng việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp theo các Nghị định.

Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo các Nghị định.

Kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất còn bất cập.

Với sự chuẩn bị bài bản, KTNN cũng đã xây dựng bộ câu hỏi kiểm toán chi tiết, tập trung vào một số nội dung chính: Việc ban hành, sửa đổi cơ chế chính sách sắp xếp lại và xử lý nhà, đất còn bất cập, tồn tại gì?

Có đạt được mục tiêu của chính sách nhằm bao quát được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý hay không?

Việc bố trí lại việc sử dụng cơ sở nhà, đất về trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có đúng quy định pháp luật và phù hợp với mục đích sử dụng hay không?...

tc-lay.jpg
Quang cảnh buổi Tập huấn. Ảnh: Thùy Anh

Sự phối hợp chặt chẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cuộc kiểm toán thành công

Ông Lê Đình Thăng nhận định rằng: đến thời điểm hiện tại, việc triển khai kiểm toán chuyên đề nhận được sự đồng thuận cao trong toàn Ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai. Song, ông nhấn mạnh, sự phối hợp chặt chẽ của toàn Ngành trong quá trình triển khai là yếu tố quan trọng để đảm bảo cuộc kiểm toán thành công.

KTNN chuyên ngành II sẽ thành lập tổ công tác để tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan. Tổ công tác này có nhiệm vụ trao đổi, đóng góp ý kiến và kịp thời báo cáo lãnh đạo KTNN về những vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán.

Ông Lê Đình Thăng cho biết, lãnh đạo KTNN đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là cuộc kiểm toán về KKT và KCN. Ông kêu gọi các đơn vị liên quan làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo cuộc kiểm toán đạt kết quả như mong đợi./.

Cùng chuyên mục
  • Chi bộ Văn phòng Đảng ủy Kiểm toán nhà nước: Chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc
    13 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Với nền tảng vững chắc là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Ban tham mưu, giúp việc Đảng ủy KTNN, các đơn vị trong Ngành, nhiệm kỳ 2022-2025, Chi bộ Văn phòng Đảng ủy KTNN đã phát huy hiệu quả vai trò, năng lực, kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 đề ra, qua đó đóng góp tích cực, trách nhiệm vào việc xây dựng Đảng bộ KTNN trong sạch, vững mạnh.
  • Nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương
    13 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN), Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và đáp ứng yêu cầu của cơ quan dân cử, KTNN đã và đang tăng cường triển khai kiểm toán báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách, trong đó có ngân sách địa phương (NSĐP). Kết quả kiểm toán BCQT NSĐP là căn cứ quan trọng để Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn BCQT NSĐP, đồng thời cũng là cơ sở để KTNN đưa ra ý kiến xác nhận đối với BCQT ngân sách nhà nước của Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn. Với ý nghĩa đó cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng kiểm toán, đòi hỏi mỗi đơn vị nỗ lực hơn nữa trong tổ chức triển khai kiểm toán nội dung này.
  • Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn: Đoàn viên, thanh niên là tương lai của Ngành
    13 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - “Thanh niên thì không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ của Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ cùng đồng hành với Ngành, góp sức cùng dân tộc chung tay đưa Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh trong kỷ nguyên mới” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh tại Chương trình Đối thoại giữa Tổng Kiểm toán nhà nước với đoàn viên, thanh niên năm 2025.
  • Chi bộ Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ
    13 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhiệm kỳ 2022-2025, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN), Chi bộ Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động của đơn vị và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
  • Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ, phối hợp của Cơ quan Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ
    13 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Ấn Độ, chiều 17/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đến thăm và làm việc tại Cơ quan Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ (CAG). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Bùi Quốc Dũng cùng tham gia Đoàn.
Chuẩn bị kiểm toán chuyên đề kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay