Chứng khoán toàn cầu hầu hết đi lên nhờ các số liệu tích cực về dịch

(BKTO) - Hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng điểm trong phiên giao dịch 14/4 (giờ địa phương), khi thị trường đón nhận những số liệu có phần lạc quan hơn tại các “điểm nóng” về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tương tự, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng mở cửa với sắc xanh bao phủ bảng điện tử trong phiên sáng nay 15/4.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm.

   

VN-Index chinh phục mốc 775 điểm

Trong phiên hôm qua, sau sắc xanh nhạt nửa đầu phiên sáng, VN-Index đã quay đầu giảm khá mạnh, xuống dưới ngưỡng 755 điểm và phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu. Tuy nhiên, với sự khởi sắc của một số mã bluechip, đặc biệt là VPB, MSN, FPT, VRE, SAB, HPG… nên chỉ số này đã kịp trở lại trong ít phút cuối phiên, đóng cửa với sắc xanh nhạt và là phiên tăng thứ 2 liên tiếp, cũng là phiên tăng thứ 9 trong 10 phiên.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, cùng với đà hứng khởi của chứng khoán thế giới trong phiên tối qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mở cửa tăng điểm với sắc xanh bao phủ bảng điện tử (số mã tăng gấp hơn 2 lần số mã giảm), thanh khoản thị trường cũng tăng tốt.

Chốt phiên, VN-Index tăng 8,33 điểm (+1,09%), lên 775,74 điểm với 243 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 177,6 triệu đơn vị, giá trị 2.590,9 tỷ đồng, tăng 22,7% về khối lượng và 19,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,45 triệu đơn vị, giá trị 600 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, SAB, CTG, BID, VPB, CTG, MBB, BVH, MWG, HDB, STB, TPB, PNJ… vẫn duy trì được đà tăng tốt, các mã VCB, VHM, VNM, PLX, POW cũng có được sắc xanh nhạt, trong khi các mã khác chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ VJC giảm hơn 3%. Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 11,4 triệu đơn vị được khớp. Các mã khác có thanh khoản tốt là MBB hơn 7,5 triệu đơn vị, CTG và HPG hơn 4 triệu đơn vị, VPB và POW hơn 3,3 triệu đơn vị, TCB, VRE hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX lại mở cửa với sắc đỏ, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại được đà tăng, nhờ ACB có lại sắc xanh, VCS bất ngờ tăng mạnh cả giá và thanh khoản. Trên sàn này, nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tăng trần như LAS, C69, AMV, MPT, HKB, SPP, nhưng giao dịch không mấy sôi động.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,52 điểm (+1,42%), lên 108,67 điểm với 71 mã tăng và 49 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,9 triệu đơn vị, giá trị 407 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 38,9 tỷ đồng. Trong các mã lớn, ACB đóng cửa tăng 3% lên 20.600 đồng, khớp 2,45 triệu đơn vị. SHB cũng đảo chiều tăng 0,56% lên 17.900 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị. VCS tăng mạnh 7,69% lên 63.000 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị. NTP tăng 4,1% lên 30.500 đồng, nhưng thanh khoản thấp. Trong khi đó, VGC giảm 0,4% xuống 24.600 đồng, khớp hơn 172.000 đơn vị. PVS giảm 0,82% xuống 12.100 đồng, khớp 2,54 triệu đơn vị. PVI giảm 0,33% xuống 30.600 đồng, khớp 1 triệu đơn vị…

Trên thị trường UPCoM, sau nửa phiên đầu lình xình, chỉ số chính của thị trường này đã bứt tốc đi lên trong nửa phiên cuối và đóng cửa gần mức cao nhất phiên. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+1,51%), lên 51,55 điểm với 102 mã tăng, 46 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,3 triệu đơn vị, giá trị 158 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

LPB là mã có thanh khoản nhất thị trường này với 3,67 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 9,23% lên 7.100 đồng. Tiếp đến là VIB khớp 1,53 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,5% lên 14.800 đồng. Mã cuối cùng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR với tổng khớp 1,38 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 5.600 đồng. Các mã có mức tăng tốt là VGI tăng 9,13% lên 26.300 đồng, khớp 0,68 triệu đơn vị. VEA tăng 3,2% lên 35.500 đồng, CTR tăng 5,03% lên 37.600 đồng, MCH tăng 3,69% lên 67.500 đồng…

Chứng khoán toàn cầu đi lên nhờ thông tin tích cực

Tương tự thị trường Việt Nam, hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng điểm trong phiên giao dịch 14/4 (giờ địa phương), khi thị trường đón nhận những số liệu có phần lạc quan hơn tại các “điểm nóng” về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo đó, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng hơn 2% sau khi các quan chức ở New York và một số điểm nóng khác thông báo về những tiến bộ trong nỗ lực khống chế số ca mắc mới virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Khép phiên này tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,4% lên 23. 949,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,1% lên 2.846,06 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tiến thêm 4% lên đóng phiên ở mức 8.515,74 điểm.

Một số quốc gia, bao gồm Italy và Áo, đã nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, trong khi các quan chức Mỹ bắt đầu tìm cách giải quyết câu hỏi làm thế nào để mở lại nền kinh tế một cách an toàn.

Các sàn giao dịch châu Âu cũng hầu hết tăng điểm, ngoại trừ thị trường London (Anh), sau khi dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu trong tháng Ba vừa qua của Trung Quốc giảm 6,6% và nhập khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được đánh giá là mức giảm khả quan hơn so với ước tính trước đó của giới phân tích.

Cụ thể, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt tăng 1,3% lên 10.696,56 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris cộng thêm 0,4% lên 4.523,91 điểm, còn chỉ số EURO STOXX 50 đóng phiên này tăng 0,9% lên 2.917,74 điểm. Riêng chỉ số FTSE 100 tại London giảm 0,9% xuống 5.789,31 điểm.

Theo ông Chris Beauchamp - nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới giao dịch IG: Các thị trường tiếp tục phản ứng "một cách kỳ lạ," chủ yếu bỏ qua tất cả các số liệu xấu và chỉ tập trung vào các mặt tích cực, như số liệu về hoạt động ngoại thương của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 14/4, trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tác động của dịch Covid-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu mất tới 9.000 tỷ USD trong một cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua.

Với phần lớn nền kinh tế toàn cầu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và giữ cho các hệ thống y tế không bị sụp đổ, IMF cảnh báo rằng có những rủi ro nghiêm trọng về kết quả kinh tế toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự không chắc chắn rất lớn xung quanh sức mạnh của đà phục hồi sau dịch.
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Chứng khoán toàn cầu hầu hết đi lên nhờ các số liệu tích cực về dịch