Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: MPI |
Cụ thể, báo cáo về Chương trình hành động ngành KH&ĐT cho biết, Chương trình hành động bám sát và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
Cụ thể gồm: tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội;xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng;huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đồng thời, tăng cường liên kết mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối với các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia người Việt Nam trong và ngoài nước;tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức cán bộ của các cơ quan, đơn vị trong Ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, trong sạch, đoàn kết, vững mạnh;xây dựng Đảng bộ và các cơ sở đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ;thực hiện tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là năm đầu thực hiện Chương trình hành động nhưng lại đang chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, tác động nặng nề đến các mặt đời sống, xã hội, kinh tế.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành KH&ĐT là vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gẫy các chuỗi cung ứng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời chủ động nghiên cứu, tham mưu chuẩn bị trước những điều kiện cần thiết để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển nhanh và bền vững ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT đã bám sát, kịp thời xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết định hướng lộ trình triển khai và điều hành quan trọng. Tiêu biểu như Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19…
Cùng với đó, toàn Ngành đang tổ chức xây dựng, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia... Đây là cơ sở quan trọng thực hiện các mục tiêu 5 năm 2021-2025; đồng thời xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Hoàn thiện Đề án cơ cấu lại nền kinh tế - giai đoạn 2021-2025; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…
Những nhiệm vụ này rất quan trọng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững ngay trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nhận định đất nước đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn nhưng cũng đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn, đặc biệt trước bối cảnh phát triển mới của thời kỳ “hậu Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quyết tâm Bộ KH&ĐT phải đi tiên phong trong công cuộc đổi mới với một tầm nhìn mới và tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, cải cách mạnh mẽ. Bởi cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu hiện đang rộng mở, cơ hội nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế thuận lợi hơn, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.