Chuyển biến mới trong cải cách chất lượng điều hành kinh tế

(BKTO) - Ngày14/3, tại Hà Nội, 6 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc đã đượcvinh danh tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 doPhòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đối tác thựchiện.




Đà Nẵng vững ngôi vị quán quân

Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam trên bảng xếp hạng PCI.
Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, Đà Nẵng được vinh danh là quán quân trên bảng xếp hạng. Điểm số của Đà Nẵng cũng lần đầu tiên bứt phá lên mức 70 điểm kể từ năm 2010. Bảng xếp hạng PCI 2016 chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng - đây cũng là thứ hạng cao nhất của tỉnh này từ trước tới nay. Trong khi đó, Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành kinh tế. Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương trong Top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu.


Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016
Nhìn lạilịch sử PCI, trong 3 năm đầu đánh giá chỉ số này, Bình Dương liên tục dẫn đầu. Nhưng 8 năm sau đó, điểm số của Bình Dương rơi liên tục và dừng lại ở mốc 58 điểm - nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành “Khá”. Năm nay, với 63,57 điểm - Bình Dương đã lội ngược dòng ngoạn mục để trở lại nhóm “Rất tốt”, xếp vị trí số 4, tăng 21 bậc trên bảng xếp hạng.

Cùng với đó, các địa phương: Vĩnh Long, Thái Nguyên, TP.HCM, Vĩnh Phúc và Quảng Nam lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Trong đó, Vĩnh Long đã có sự cải thiện vượt bậc từ vị trí thứ 19 lên vị trí thứ 6 của nhóm “Rất tốt”.

Một điểm rất đáng ghi nhận trong PCI 2016 là sự cải thiện điểm số của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, HàNội và Hải Phòng lần đầu tiên sau nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành “Tốt”. Để đạt được vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng năm nay, Hà Nội đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Vị trí của nhóm cuối ngày càng được cải thiện

Ở chiều ngược lại, trong nhóm giảm điểm, Thanh Hóa đã mất tới hơn 2 điểm so với năm 2015, đồng nghĩa với việc thứ hạng của địa phương này đã rơi từ nhóm có chất lượng điều hành “Tốt” xuống nhóm “Khá”, xếp vị trí 31/63. Tuy nhiên,những diễn biến tích cực nhất trong bảng xếp hạng PCI năm 2016 đã được ghi nhận ở nhóm cuối. Năm nay, chỉ còn duy nhất 2 địa phương là Lai Châu và Cao Bằng nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế “Thấp”. Dù giảm gần 1,5 điểm, rơi xuống vị trí cuối bảng, nhưng Cao Bằng vẫn cách 4 điểm so với vị trí này năm 2015 của Đắk Nông. Đặc biệt, nhiều tỉnh trước đây thường xuyên có mặt trong nhóm địa phương được DN đánh giá có chất lượng điều hành “Kém” nhưng nay đã có được sự thay đổi. Điển hình là Hà Giang và Đắk Nông trở thành 2 trong 3 tỉnh dẫn đầu danh sách cải thiện mạnh nhất về điểm số PCI so với năm 2015. Ngoài ra, danh sách tăngđiểm PCI còn có Cà Mau, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Lai Châu.

Kết quả nghiên cứu PCI 2016 cũng cho thấy nhiều chỉ số thành phần của PCI đã có chuyển biến tích cực, như chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính năng động của chính quyền địa phương, dịch vụ hỗ trợ DN đã có nhiều cải thiện. Nếu năm 2006, một DN mất 20 ngày để đăng ký thành lập DN thì nay chỉ mất 7 ngày. Thời gian chờ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm 4 lần, xuống còn 30 ngày. Tỷ lệ DN phải đợi hơn 1 tháng để chính thức hoạt động đã giảm một nửa… Tuy nhiên, những xu hướng đáng quan ngại của một số chỉ số thành phần khác cũng đã được chỉ ra, gồm tính minh bạch, chi phíkhông chính thức, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng…

Bình luận về vai trò của việc nghiên cứu và công bố chỉ số PCI, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh, thông điệp của Chính phủ đã rất rõ ràng, chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, khẳng định DN, doanh nhân là đối tác, là khách hàng của những dịch vụ công. Chính phủ cũng đã giao cho VCCI và các hiệp hội DN trách nhiệm giám sát thúc đẩy và công bố chỉ số hài lòng của DN đối với chính quyền, coi đây là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức. Sau 12 năm triển khai, chỉ số PCI ngày càng trở nên quan trọng, bởi đó chính là tiếng nói thật, trung thực của các DN.

Chia sẻ thành quả của địa phương khi liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI nhiều năm liền, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết: Chúng tôi xem việc cải thiện chỉ số PCI là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN. Đà Nẵng đang có chủ trương thực hiện đánh giá và xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương của Đà Nẵng từ năm 2017. Nhiệm vụ này sẽ tạo động lực cũng như “áp lực tích cực” để tất cả bộ máy không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và tạo một hệ thống chính quyền năng động, thực sự xem người dân và DN là đối tượng để phục vụ.
Bài và ảnh: HỒNG THOAN




Cùng chuyên mục
Chuyển biến mới trong cải cách chất lượng điều hành kinh tế