Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.Ảnh: BNG |
* Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam?
Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Theo đó, đến nay, Nhật Bản là đối tác số 1 về cung cấp viện trợ ODA, thứ 2 về đầu tư, thứ 3 về du lịch, thứ 4 về thương mại của Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên 3 phương diện.
Một là, chuyến thăm tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam -Nhật Bản đi vào chiều sâu và thúc đẩy các mặt quan hệ hợp tác giữa hai nước thực chất hơn, xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh…
Hai là, trong bối cảnh cả hai nước đang có nhu cầu phục hồi kinh tế để khắc phục hậu quả tiêu cực của đại dịch Covid-19, chuyến thăm góp phần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thiết yếu, phù hợp với nhu cầu và khả năng của hai bên trên các lĩnh vực như chuyển đổi số, hợp tác y tế, hạ tầng giao thông,ứng phó vớibiến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh…
Ba là, chuyến thăm là minh chứng sinh động về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn bè tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
* Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và những định hướng ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới?
Có thể khẳng định, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả toàn diện, vừa cụ thể vừa có ý nghĩa chiến lược, tạo ra những dấu ấn lớn cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Thứ nhất, hai bên đã xác định được những định hướng lớn và biện pháp cụ thể để làm sâu sắc quan hệ vốn đã rất chặt chẽ và sâu rộng giữa hai nước. Các kết quả đó đượcthể hiện rõ nét, toàn diện và thực chất trong Tuyên bố chung “Mở ra giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh của châu Á”.
Theo đó, hai bên đãthống nhất nhữngphương hướng lớn để tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác quan trọng như tăng cường quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng - an ninh, phát triển nguồn nhân lực, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, chuyển đổi năng lượng, y tế.
Bên cạnh đó, hai nước sẽ đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bước vào giai đoạn phát triển mới sâu hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn; phối hợp để Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Song song với đó, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nông nghiệp sạch, công nghệ cao...
Đồng thời,Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát huy tối đa các cơ chế hợp tác hiện có, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước trong các lĩnh vực như an ninh mạng, quân y, tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, giải quyết hậu quả chiến tranh, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản cho giai đoạn phục hồi kinh tếsau đại dịch Covid-19, nhằm đáp ứng những nhu cầu mới phát sinh và lợi ích của hai nước.
Thứ hai, chuyến thăm đã giúp củng cố niềm tin, thắt chặt tình hữu nghị, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước vànhân dân hai nước.
Trong suốt chuyến thăm, thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhnhắc đến nhiều lần, đó là Việt Nam luôn coi Nhật Bản là bạn, là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu trong chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.
Hai bên cũng thống nhất cho rằng, sự tương đồng về văn hóa, lịch sử quan hệ lâu đời và sự tin cậy, hiểu biết giữa hai dân tộc là tài sản quý giá mà hai nước cần phát huy. Lãnh đạo cấp cao Nhật Bản cũng đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Thứ ba, chuyến công tác đã đạt được những kết quả cụ thể, thúc đẩy hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhữngthỏa thuận hợp tác trị giá nhiều tỷ USD.
Hai bên cũng thống nhất sớm mở lại đường bay giữa hai nước, áp dụng “hộ chiếu vắc xin”; xử lý các vấn đề liên quan đến thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản; tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện vốn ODA, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắc xin và thiết bị y tế.
* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
DIỆU THIỆN
(Nguồn: Bộ Ngoại giao)