Cơ chế tài chính hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người dân

(BKTO) - Với trên 93% dân số có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), có thể khẳng định, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống. Quỹ BHYT trở thành nguồn tài chính cơ bản trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

bhyt1ok_rqec-10_51_58_700.jpg
Quỹ BHYT là cơ chế tài chính quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Ảnh:dangcongsan.vn

Đối tượng tham gia tăng, quyền lợi được mở rộng

Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nước ta tăng dần qua các năm. Đến nay, độ bao phủ BHYT đã đạt khoảng 93,35% dân số, tương ứng hơn 93,3 triệu người tham gia, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Việc đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.

Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt khám, chữa bệnh so với năm 2022; số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành để dành khi ốm", nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm.

Ngoài việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Thẻ BHYT đã trở thành “phao cứu sinh” giúp nhiều người bệnh vượt qua khó khăn về tài chính cho khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, những năm qua, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau bệnh tật.

Theo đó, danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.

Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

Nhiều thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo là các thuốc đắt tiền, có giá lên đến hàng chục triệu đồng cho một liều sử dụng nhưng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.

Bộ Y tế đã dự thảo và đang lấy ý kiến Thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng để xác định Danh mục là lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ BHYT trong từng giai đoạn, bảo đảm công khai minh bạch.

Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với trên 10.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được Quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tăng tính hấp dẫn và ý nghĩa của chính sách

Cùng với đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh BHYT, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ BHYT cũng được BHXH Việt Nam hết sức chú trọng trong thời gian qua.

Đến nay, toàn quốc toàn quốc đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT (tương ứng với 12.851 cơ sở) triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, với trên 55 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Toàn ngành cũng đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; gần 1 triệu doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử.

Đồng thời, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh BHYT. Hiện công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp đang được triển khai tại một số cơ sở KCB BHYT trên cả nước.

Đặc biệt, nhằm khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả thực hiện và tăng tính hấp dẫn của chính sách BHYT, Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), với nhiều nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng tình hình thực tiễn.

Theo đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT.

Bà Nguyễn Khánh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, điểm nhấn đột phá của Luật là cần tập trung vào quyền lợi người tham gia BHYT, đồng thời đảm bảo tính bền vững về tài chính của Quỹ BHYT và quan hệ giữa các bên; xác định phạm vi gói quyền lợi dựa trên tính toán cân đối giữa chi phí và dự báo khả năng cân đối thu - chi của Quỹ BHYT...

Cùng chuyên mục
Cơ chế tài chính hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người dân