Thảo luận về nội dung này, một số ý kiến tán thành việc đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật DN. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, cũng như bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN khác.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Đối với công tác quản lý nhà nước, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN cũng không phát sinh thêm chi phí, hệ thống đăng ký không thay đổi, thống nhất trong đăng ký DN, các nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh cũng không thay đổi, công tác thanh tra, kiểm tra không nặng thêm. Khi hoạt động của hộ kinh doanh được bài bản, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn thì thu NSNN sẽ được tăng thêm.
Tuy nhiên, không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tác động của việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) chỉ ra thực tế, hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi lên DN nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, mặc dù biết chuyển đổi lên DN thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Cũng có những hộ kinh doanh quy mô lớn muốn chuyển đổi lên DN để mở rộng kinh doanh và chuyên nghiệp hơn nhưng lại chưa được trang bị kiến thức về kỹ năng quản trị. Một số hộ lo ngại nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nặng nề hơn như các giấy phép liên quan như về môi trường, thủ tục kế toán kê khai, thanh tra kiểm tra… làm tăng chi phí gián tiếp.
Trong khi đó, theo đại biểu, các quy định của Dự thảo Luật về hộ kinh doanh mới dừng ở khái niệm hộ kinh doanh, đăng ký hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Các quy định này chưa giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay, không khuyến khích được hộ kinh doanh chuyển lên DN cũng như chưa phản ánh được các nội dung quan trọng khác về thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận trách nhiệm quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước.
Từ phân tích trên, đại biểu Thơ tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, việc đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc, nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật.
Tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng cho rằng các quy định của Dự thảo Luật còn đơn giản, chưa rõ ràng, không có gì khác so với các quy định hiện hành, do đó không thể là cứu cánh cho hộ kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích như kỳ vọng.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu thảo luận- Ảnh:quochoi.vn |
Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, cần có biện pháp phù hợp và có lộ trình phù hợp với thực tiễn chứ không thể áp đặt các ý chí về mục tiêu phát triển DN. “Thay vì khoác DN cho hộ kinh doanh, cần nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về hộ kinh doanh đảm bảo khuyến khích quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất theo năng lực và tuân thủ pháp luật”- đại biểu So phát biểu.
N. HỒNG