Cổ phiếu ngân hàng châu Á lao đao trước rủi ro hệ thống từ vụ SVB

(BKTO) - Tại châu Á, cổ phiếu của các ngân hàng đã giảm trong phiên sáng 13/3, sau khi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro hệ thống, dù giới chức các nước đã nỗ lực ngăn chặn khả năng lan rộng bằng cách biện pháp trấn an người gửi tiền.

chung-khoan-chau-a.jpg
Cổ phiếu các ngân hàng của châu Á đồng loạt giảm trong phiên sáng 13/3  - Ảnh minh họa

Giá cổ phiếu ngân hàng lao dốc

Chính phủ Mỹ ngày 12/3 đã vào cuộc bằng một loạt các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau vụ phá sản của SVB. Sau một cuối tuần đầy biến động, giới chức Mỹ cho biết các khách hàng của SVB sẽ được tiếp cận toàn bộ tiền gửi của họ tại ngân hàng này bắt đầu từ ngày 13/3, đồng thời thiết lập một công cụ mới để các ngân hàng được tiếp cận nguồn vốn khẩn cấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạo điều kiện để các ngân hàng vay tiền dễ dàng hơn từ ngân hàng trung ương trong các trường hợp khẩn cấp.

Dù nhóm cổ phiếu công nghệ của Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch 13/3 tại châu Á nhờ tin tức nói trên, nhưng các ngân hàng ở đây vẫn không thể rũ bỏ tâm lý lo ngại về rủi ro hệ thống và nối gót đà giảm trên Phố Wall từ phiên cuối cùng của tuần trước.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), cổ phiếu của ngân hàng HSBC Holdings mở cửa giảm khoảng 1,7% xuống mức thấp nhất hai tháng qua, trong khi cổ phiếu của ngân hàng Standard Chartered giảm gần 1% và chạm “đáy” một tháng qua.

Bên cạnh đó, cũng trong phiên này, chỉ số Topix của Nhật Bản đã giảm 2% do nhóm cổ phiếu tài chính. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng Mitsubishi UFJ giảm gần 4% xuống mức thấp nhất một tháng qua, trong khi cổ phiếu của công ty tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group để mất gần 5%. Chỉ số dành riêng cho nhóm cổ phiếu ngân hàng Topix Banks Index đã giảm 4,75% tính đến giờ nghỉ trưa.

Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Singapore DBS đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10 năm ngoái, trong khi cổ phiếu của OCBC giảm gần 1,5%.

Các ngân hàng Mỹ đã mất hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường cổ phiếu hồi cuối tuần trước sau vụ phá sản của SVB, trong khi con số này của các ngân hàng châu Âu là khoảng 50 tỷ USD, theo tính toán của hãng tin Reuters.

Chỉ hai ngày sau khi nhà chức trách bang California đóng cửa ngân hàng SVB, ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác cũng ra thông báo chung về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ.

IMF theo dõi tác động của khủng hoảng ngân hàng Mỹ

svb-dw.jpg
Ngân hàng SVB đã bị đóng cửa vào ngày 10/3 sau khi thất bại trong việc huy động vốn - Nguồn: DW

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 12/3 cho biết đang theo dõi sát các tác động tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ đến sự ổn định tài chính, đồng thời tin tưởng Washington sẽ có các biện pháp quản lý thích hợp.

Người phát ngôn của IMF ra tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và tác động tiềm ẩn đến sự ổn định tài chính và hoàn toàn tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ sẽ có các bước đi thích hợp nhằm giải quyết tình hình”.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Anh đang chuẩn bị biện pháp can thiệp mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ giảm thiệt hại do sự sụp đổ của ngân hàng  SVB.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh có “rủi ro nghiêm trọng” đối với các công ty công nghệ và khoa học đời sống có giao dịch tại chi nhánh của SVB tại Anh (SVB Anh). Các lãnh đạo của những công ty này cũng cảnh báo khả năng sa thải hàng loạt nhân viên nếu không thể trả lương và hóa đơn trong tuần tới.

Chính phủ Anh đã dành cả cuối tuần qua để cố gắng xử lý trường hợp của SVB Anh và đưa ra một kế hoạch dự phòng để hỗ trợ các công ty có tiền gửi bị mắc kẹt trong các ngân hàng có rủi ro cao. Vài giờ sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ đóng cửa SVB ngày 10/3, Ngân hàng trung ương Anh tuyên bố đưa SVB Anh vào tình trạng mất khả năng thanh toán, kích hoạt quy trình bán tài sản hồi cuối tuần.

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã loại trừ khả năng cứu trợ SVB Anh, thay vào đó tập trung vào việc giữ dòng tiền chảy vào các nhóm công nghệ. Nếu người mua không thể được đảm bảo, các quan chức chính phủ và cơ quan quản lý đang thực hiện kế hoạch giải cứu nhằm cung cấp bảo lãnh cho các ngân hàng có gói tín dụng mới cho các công ty có tiền bị khóa trong SVB Anh.

Kế hoạch dự phòng sẽ do Ngân hàng Doanh nghiệp Anh của nhà nước giám sát. Cơ quan quản lý tài chính Anh đã thảo luận với các ngân hàng việc tham gia chương trình này và các ngân hàng có thể nhanh chóng tiếp nhận khách hàng mà không cần thực hiện các quy tắc thông thường về thẩm định khách hàng. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được hoàn thiện.

SVB Anh có 3.300 khách hàng ở Anh, trong đó có các công ty mới thành lập, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhắc lại khẳng định của ngân hàng trung ương rằng sự sụp đổ của SVB Anh không gây ra “rủi ro lây lan hệ thống”. Ông Sunak nhấn mạnh Chính phủ Anh đang nỗ lực để tìm giải pháp đảm bảo thanh khoản và tiền mặt hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ, ông Rajeev Chandrasekhar, thông báo triệu tập cuộc họp với các công ty khởi nghiệp trong tuần này để thảo luận tác động sau sự sụp đổ của SVB.

Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Bộ trưởng Chandrasekhar nhấn mạnh tầm quan trọng của các công ty khởi nghiệp đối với nền kinh tế mới của Ấn Độ. Ông cho biết đã lên kế hoạch gặp các công ty khởi nghiệp Ấn Độ trong tuần này để nắm rõ tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ cũng như cách thức chính phủ có thể hỗ trợ.

Ấn Độ là một trong những thị trường khởi nghiệp lớn nhất thế giới, với nhiều công ty đã có giá trị tài sản lên tới hàng tỷ USD trong những năm gần đây và đã nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài - vốn đặt cược lớn vào kỹ thuật số và nhiều công ty công nghệ khác.

Trong khi đó, Chính phủ Israel cũng cam kết hỗ trợ các công ty công nghệ bị ảnh hưởng. Ông Yair Avidan, quan chức giám sát các ngân hàng thuộc Ngân hàng trung ương Israel, cho biết sự sụp đổ của SVB cho thấy sự cần thiết của việc thường xuyên đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Ông cho biết đang kiểm tra sát sao vụ việc và theo dõi cả những diễn tiến tình hình cũng như những gì có thể xảy ra trong "các làn sóng tiếp theo".

Lĩnh vực công nghệ là động lực phát triển chính của Israel và quan hệ của lĩnh vực này với Thung lũng Silicon rất mạnh mẽ. Nhiều công ty khởi nghiệp của Israel có tài khoản tại SVB dù hiện chưa rõ lượng tiền gửi là bao nhiêu.

Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương (BoK) cho biết sẽ theo dõi sát mọi tác động đối với thị trường tài chính nội địa và các điều kiện kinh tế trong nước, song khẳng định cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ không có khả năng gây ra nguy cơ mang tính hệ thống.

Thông cáo báo chí của BoK nêu rõ vào thời điểm này, nguy cơ mang tính hệ thống từ việc đóng cửa SVB và Signature Bank đối với ngân hàng và các thể chế tài chính khác là không lớn. Tuy nhiên, theo BoK, biến động trên thị trường tài chính có thể tăng lên tùy thuộc vào tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tâm lý nhà đầu tư và số liệu lạm phát tại Mỹ (công bố ngày 14/3 tới). Do đó, ngân hàng này sẽ giám sát chặt chẽ tác động đối với các yếu tố gây biến động giá như lãi suất trong nước, giá cổ phiếu, tỷ giá hối đoái cũng như các dòng tiền vào, ra. BoK khẳng định sẽ “có các biện pháp thích hợp để ổn định thị trường tài chính nếu cần”.

Cùng chuyên mục
Cổ phiếu ngân hàng châu Á lao đao trước rủi ro hệ thống từ vụ SVB