Có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trong xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP. HCM với tư duy, cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cơ bản, hiện đại, tổng thể, bao trùm, mang lại hiệu quả cao

1(4).jpeg
Thủ tướng: Phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP. HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan. Ảnh: CP

Sáng 05/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải - chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, TP. HCM và các bộ, ngành liên quan về Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP. HCM chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh, sự cần thiết đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị; bài học kinh nghiệm phát triển đường sắt đường sắt đô thị tại các nước và Việt Nam; quan điểm, mục tiêu xây dựng đường sắt đô thị; lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và phương án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị; đánh giá tác động của dự án; định hướng phát triển đô thị theo hướng lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch (TOD), kết nối giao thông; nguồn vốn, nhân lực cho phát triển đường sắt đô thị; công nghiệp đường sắt; các cơ chế, chính sách, giải pháp; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện phát triển đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP. HCM…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, TP. HCM chuẩn bị các tài liệu liên quan, cũng như các ý kiến tâm huyết, chất lượng của các đại biểu; yêu cầu các đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP. HCM nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tăng trưởng hai con số tại Hà Nội và TP. HCM.

2(1).jpeg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: CP

Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án với tư duy, cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cơ bản, hiện đại, tổng thể, bao trùm, mang lại hiệu quả cao; phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ càng, toàn diện, sâu sắc để khi triển khai được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời quan tâm phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP. HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan; phát triển hệ thống đường sắt đô thị bao gồm cả trên cao và ngầm, đặt trong tổng thể phát triển giao thông của cả nước, nhất là tại các thành phố nêu trên.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và Hà Nội, TP. HCM phối hợp hoàn thiện thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình liên quan phát triển đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung theo hướng hiện đại, đáp ứng thời kỳ phát triển mới. Bộ hoàn thiện quy hoạch đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung với tầm nhìn xa, theo hướng hiện đại, trên tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì khoét núi, qua ruộng thì đổ đất", tránh các khu dân cư, công trình ngầm, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội để giảm tối thiểu giải phóng mặt bằng, cũng như ảnh hưởng tới dân cư, an ninh, quốc phòng, các hoạt động kinh tế-xã hội khác.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hoá các nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư; dành nguồn lực, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, áp dụng khoa học quản trị, vận hành, quản lý, khai thác theo hướng thông minh.

Thủ tướng nêu rõ, phân kỳ đầu tư phù hợp và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng với triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt và hệ sinh thái đường sắt theo hướng nhanh, xanh, công nghệ cao; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù trong lựa chọn tư vấn, giám sát, nhà đầu tư, nhà thầu, đảm bảo minh bạch...

Trước mắt, Hà Nội và TP. HCM khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và TP. HCM trước ngày 25/12/2024 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, giao Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện Đề án, hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư, cơ chế, chính sách… Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đặc biệt phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai Đề án quan trọng này./.

Cùng chuyên mục
  • Thường trực Ban Bí thư tiếp các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
    10 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 5/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
    10 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025; kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; quá trình triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thời gian qua.
  • Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài
    10 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, chiều 5/12, tại trụ sở Quốc hội, Thủ đô Tokyo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu; hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.
  • Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú tiếp Đoàn đại biểu Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào
    11 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Những thành tựu trong kết quả hợp tác giữa Việt Nam - Lào thời gian qua với sự đóng góp của tuổi trẻ hai nước và đánh giá cao hợp tác ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào, góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ hai Đảng, hai nước
  •  Chủ tịch nước Lương Cường thăm Đồn Biên phòng Bát Mọt
    11 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Trong chương trình công tác tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại tỉnh Thanh Hóa, chiều 4/12, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bát Mọt, huyện Thường Xuân.
Có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trong xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh