Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùngphát biểu chỉ đạo- Ảnh: dangcongsan.vn
Với mục đích tạo điều kiện cho các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đưa ra các giải pháp phát triển ngành báo chí Việt Nam, Diễn đàn “Báo chí và công nghệ”đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo… .
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Báo chí mang trong mình sứ mạng là làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại và phát triển thì công nghệ số đóng vai trò thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam hiện có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng Cloud mà còn có thể phát triển các ứng dụng cho báo chí. Vì vậy, ông kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin và các doanh nghiệp công nghệ số cùng chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng chia sẻ những tham luận xoay quanh nhiều nội dung như: Truyền thông báo chí với công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng; ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực báo chí và truyền thông hiện đại; các mô hình công nghệ mới giúp cải thiện hoạt động báo chí và kinh tế báo chí; doanh nghiệp đồng hành cùng báo chí…
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”- Ảnh: dangcongsan.vn
Tại Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh chia sẻ các xu hướng truyền thông hiện đại trên thế giới như sử dụng hệ thống nhận diện giọng nói, loa thông minh, podcast… Đây là các công nghệ được ứng dụng khá phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Theo báo cáo toàn cầu 2019-2020 về những sáng tạo trong truyền thông do FIPP công bố mới đây cho biết: “Người nghe giờ đây dành thời gian cho các podcast trên các thiết bị loa thông minh nhiều gấp đôi so với trên điện thoại di dộng”. Do vậy, ông Lê Quốc Minh nhận định, các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói được dự báo sẽ trở thành những cửa ngõ quan trọng để tiếp cận nội dung giải trí cũng như thông tin, kiến thức.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” giữa Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Đây là dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của Báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước đồng hành cùng báo chí chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.