Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC - Ảnh: TTXVN |
Hội nghị T.Ư 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTNTC trên phạm vi cả nước.
Kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng
Thông tin từ Ban Nội chính T.Ư (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC) cho biết, 10 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC.
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm toán, cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.
Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", tạo bước đột phá trong công tác PCTNTC.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng…
Hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới
Qua 10 năm, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả.
Đặc biệt ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác PCTN và công tác phòng, chống tiêu cực.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác PCTN giữa Ban Nội chính T.Ư và Ban cán sự đảng KTNN, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc nhấn mạnh, Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá trong công tác PCTNTC. Trong ảnh, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc (thứ ba từ trái sang) trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nội chính Đảng" cho lãnh đạo KTNN - Ảnh: Tư liệu |
Các cơ quan nội chính, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được củng cố, kiện toàn, phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, thực hiện Kết luận của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh.
Hiện các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở. Tính đến ngày 27/6, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo…
Theo Ban Nội chính T.Ư, những kết quả đạt được trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo T.Ư PCTNTC, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó là sự gương mẫu, "nói đi đôi với làm" của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng PCTNTC…
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị T.Ư 5 khóa XI, công tác PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
"Kết quả đạt được trong công tác PCTNTC thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTNTC, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn” - Ban Nội chính T.Ư khẳng định./.
Theo kế hoạch, ngày 30/6, Bộ chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012-2022 theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước - chủ trì Hội nghị. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế yếu kém của công tác PCTNTC trong 10 năm qua và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp về PCTNTC thời gian tới. Hội nghị nhằm quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ tưởng, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về PCTNTC, nhất là việc thành lập và triển khai khoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. |