“Cú hích” cho việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội

(BKTO) - Theo các chuyên gia, việc sở hữu một căn nhà ở xã hội (NƠXH) không còn là “giấc mơ” xa vời với người lao động, khi các điều kiện được tiếp cận NƠXH đã được nới lỏng hơn. Đây cũng là động lực thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia tích cực hơn vào việc phát triển NƠXH, từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.

15.jpg
Các điều kiện được tiếp cận nhà ở xã hội đã thuận lợi hơn. Ảnh minh họa

Nới lỏng điều kiện được mua nhà ở xã hội

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH; trong đó, ngoài các quy định khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NƠXH, các quy định về điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH cũng được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận loại hình nhà ở này. Cụ thể, Nghị định quy định, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có dự án NƠXH đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua NƠXH.

Luật Nhà ở 2023, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đã bổ sung và quy định các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH gồm: thân nhân liệt sĩ; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công chức, viên chức quốc phòng; công nhân, lao động, hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị…

Điều này có nghĩa các đối tượng không phải là người địa phương vẫn được mua NƠXH tại địa phương có dự án. Ngoài việc quy định cụ thể với trường hợp được thụ hưởng chính sách, các quy định gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân cũng được tháo gỡ, ví dụ như thuật ngữ “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”, hay giới hạn quyền sở hữu nhà ở tại địa phương cấp tỉnh nơi có dự án. Như vậy, người có nhu cầu mua NƠXH đang sinh sống cùng gia đình đông thế hệ sẽ không phải tách khẩu để được chính quyền xác nhận là chưa có nhà. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở pháp lý thực hiện, loại bỏ được tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương trong việc xác nhận về sở hữu nhà của người dân.

Đặc biệt, điều kiện về thu nhập để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đã có sự điều chỉnh lớn. Cụ thể, trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng; trường hợp người đứng đơn đã kết hôn thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng, tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bỏ điều kiện về hộ gia đình phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký mua NƠXH tại các địa phương…

Đánh giá về những điểm mới này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, các quy định mới là “thấu tình đạt lý”, phù hợp với nguyện vọng của người dân, nhất là người dân có thu nhập trung bình. Bởi lẽ, NƠXH không phải là bán cho người giàu, nhưng không nên quy định chỉ giới hạn ở những người không nộp thuế thu nhập cá nhân như trước đây, mà cần hướng đến cả đối tượng có mức thu nhập trung bình nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại đang có giá bán ngày càng cao như hiện nay.

Từ góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trước đây gia đình chị đã từng tiếp cận tìm mua NƠXH. Tuy nhiên, với tổng thu nhập dao động ở mức khoảng 22 - 24 triệu đồng/tháng, gia đình vẫn chưa thể sở hữu một căn nhà sau nhiều năm ở nhà trọ. “Hiện nay, với những thay đổi tích cực về quy định liên quan đến NƠXH có thể tạo điều kiện giúp chúng tôi sớm hiện thực hóa “giấc mơ” an cư” - chị Hoa nói.

Còn băn khoăn về mức lãi suất mua nhà ở xã hội

Bên cạnh những quy định “thông thoáng” hơn cho người mua nhà, nhiều ý kiến còn bày tỏ băn khoăn về mức lãi suất mua NƠXH theo quy định mới. Cụ thể, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định lãi suất cho vay được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Mức lãi suất nợ quá hạn cũng được quy định là 130% so với lãi suất cho vay thông thường. Theo đó, lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ tăng từ 4,8% lên 6,6%/năm, tức lãi suất cho vay NƠXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng thêm 1,8% so với trước đây.

Về điều chỉnh này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, mức tăng lãi suất từ 4,8% lên 6,6%/năm là một thay đổi đáng kể, chưa phù hợp với bản chất khoản vay NƠXH, gây áp lực lớn cho người mua nhà. “Chúng tôi kiến nghị xem xét tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cho vay 4,8%/năm với khoản vay mua NƠXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người mua nhà, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và người dân vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay” - ông Châu nói.

Từ góc độ chuyên gia ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - đánh giá, việc phê duyệt mức lãi suất 6,6%/năm đã được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo cân đối nhiều yếu tố. Chính sách này cần được nhìn nhận từ góc độ ổn định và dài hạn, với thời hạn vay tối đa lên đến 25 năm. Việc hỗ trợ lãi suất vay mua NƠXH cũng cần dựa trên khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề trên, thông tin đến báo chí, ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - cho biết, mức lãi suất cho vay này đã được cơ quan có thẩm quyền tổng kết, đánh giá, tính toán kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Nghị định; dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, người dân để hoàn thiện, thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành. Mức lãi suất mới này được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình cho vay và giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước những ý kiến đa chiều liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất cho vay NƠXH theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, ông Thuận khẳng định với vai trò là đơn vị triển khai thực hiện cho vay, đơn vị sẽ tiếp thu các ý kiến để báo cáo các Bộ, ngành liên quan, từ đó báo cáo trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

Cùng chuyên mục
“Cú hích” cho việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội