Từng trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ông có thể chia sẻ về những năm tháng gian khổ mà hào hùng đã qua?
- Cùng với thế hệ thanh niên khi đó, chúng tôi đi theo tiếng gọi của Đảng, của cách mạng từ rất sớm. Trong thời gian hoạt động tại Trung đoàn 57 (thuộc Sư đoàn 304) tôi được cử đi học Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, học cùng các đồng chí Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng), Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội)... Khi được Nhà nước cử đi học ở Trung Quốc, tôi cùng một số đồng chí khác đã xin rút để tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, vì thời điểm đó cuộc chiến đang ở vào giai đoạn căng thẳng. Tôi lại được điều về Trung đoàn 57, đóng vai trò làm liên lạc viên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ chốt giữ Hồng Cúm, xây dựng trận địa cánh cung cắt rời Phân khu Hồng Cúm với Phân khu Trung tâm. Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Lào.
Trải qua nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh khác nhau, sinh tử đã từng đối mặt, nhưng để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng nhất trong tôi phải kể đến những ngày ở Quảng Trị. Năm 1968, chúng tôi được lệnh tiến vào Quảng Trị. Tôi lúc đó làm nhiệm vụ tác chiến, có trách nhiệm tham mưu về kế hoạch chiến đấu tại đây. Trung đoàn chúng tôi có nhiệm vụ giải phóng cứ điểm Làng Vây, chi viện khu quân sự Hướng Hóa, Cửa Việt tại mặt trận Khe Sanh, sau đó đánh cao điểm 241 (huyện Cam Lộ). Sau khi tin đánh thắng ở cảng Cửa Việt được gửi ra miền Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân vào Quảng Trị để khen ngợi, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng cựu chiến binh Đinh Văn Hòa vẫn tích cực tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ bị thất lạc. Ảnh: P. HIẾN |
Ông có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ tại chiến trường khi ấy?
- Những năm tháng chiến tranh, với chúng tôi là ký ức theo trọn cuộc đời. Ở đó có những câu chuyện tai nghe, mắt thấy và phải nếm trải nỗi đau mất đồng chí, đồng đội và vết thương hằn dấu trên chính cơ thể mình. Đó là trong những ngày chốt trên cao điểm ở Quảng Trị, thức ăn cạn kiệt, ai cũng đói. Đón nhận đồ tiếp tế, có người vừa kịp ăn, có người còn chưa kịp đưa lên miệng thì bom đạn trút xuống. Có chiến sĩ hy sinh, trên tay vẫn còn giữ miếng lương khô…!
Một kỷ niệm khác cũng rất đáng nhớ. Đó là sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Quảng Trị, chúng tôi được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại căn cứ Nước Trong (tỉnh Đồng Nai), có tiểu đội hy sinh 9 chiến sĩ. Do thời gian gấp, lại lo sợ địch phát hiện nên đơn vị không kịp tắm rửa cho đồng đội hy sinh trước khi chôn cất. Biết chuyện, đồng chí Nguyễn Thiện Tỉnh (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hiện là Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304 tỉnh Hà Nam), khi đó là chính trị viên tiểu đoàn (thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304) yêu cầu phải tắm rửa cho các chiến sĩ. Trong lúc tắm rửa thì phát hiện một chiến sĩ vẫn còn sống, nhưng bị thương nặng. Ngay lập tức, chiến sĩ này được chuyển về trạm xá, sau 1 năm điều trị thì hồi phục.
Đó là sự kỳ diệu thứ nhất. Sự kỳ diệu thứ hai, đó là nữ y tá chăm sóc cho chiến sĩ bị thương, vì cảm mến và được đơn vị tác hợp nên hai người đã trở thành vợ chồng. Người lính đó chính là anh Nguyễn Việt Tiến (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Hiện, anh Tiến đang được hưởng chế độ thương binh, cả hai người con của anh chị đều lành lặn, khỏe mạnh. Các cháu được học hành và có công việc ổn định. Nói vậy để thấy, chiến tranh không chỉ có tiếng súng, tiếng bom, cái chết mà ở đó còn có cả tình yêu và sự hồi sinh mãnh liệt.
Được biết, sau khi rời chiến trường, ông cùng một số đồng đội đã tích cực tìm kiếm phần mộ, thông tin liệt sĩ bị thất lạc ở chiến trường Quảng Trị. Xin ông chia sẻ thêm về công việc này?
- Tôi luôn tâm niệm rằng, chúng tôi đã may mắn hơn rất nhiều so với các đồng chí, đồng đội của mình, nên khi các anh còn đang nằm lại nơi chiến trường, chúng tôi vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Vì thế, chúng tôi đã tập hợp nhau lại để tìm thông tin về các liệt sĩ còn thất lạc ở Quảng Trị.
Hằng năm, đơn vị đều tổ chức thăm Quảng Trị. Không chỉ là một chuyến thăm lại chiến trường xưa, đây còn là dịp để chúng tôi đưa một số gia đình có liệt sĩ còn thất lạc vào tỉnh Quảng Trị để tìm phần mộ. Tuy nhiên, để có được chuyến đi này, chúng tôi phải tích cực chuẩn bị từ một năm trước đó. Đến khi có trong tay danh sách địa chỉ, nguồn tin tương đối rõ ràng về phần mộ liệt sĩ thất lạc tại chiến trường, chúng tôi mới thống nhất về chuyến đi với một số gia đình liệt sĩ.
Việc làm này đã được chúng tôi thực hiện chục năm nay, từ trước khi Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304 tỉnh được thành lập. Để thực hiện chuyến đi này, chúng tôi cùng nhau quyên góp hoặc xin tài trợ. Còn các gia đình sẽ được miễn phí hoàn toàn. Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đưa 15 gia đình vào thăm chiến trường Quảng Trị và tìm hài cốt của các liệt sĩ còn thất lạc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)