Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung một số chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa…

Sáng 17/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

tc17.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Trình bày Tờ trình Dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa..., và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành; quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; quản lý nhà nước về di sản văn hóa…

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng Dự án Luật tại Tờ trình của Chính phủ.

Về một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách còn dàn trải, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thụ hưởng.

hung17.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa.

Đồng thời, tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTVQH thống nhất về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa.

Cho rằng Dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát thêm về tính thống nhất của Dự án Luật trong hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác.

thanh17.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, Dự án Luật so với Luật hiện hành bổ sung khá nhiều quy định về thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng một số nội dung bổ sung chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Do đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định mới về phân công, phân cấp, tổ chức thực hiện. Điều này sẽ ảnh hưởng, tác động đến nhu cầu nguồn lực cả về kinh phí và nguồn nhân lực khi triển khai thực hiện. Vì vậy, ông Thanh đề nghị cần đánh giá kỹ hơn các chính sách này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến quy định về các dự án đầu tư xây dựng trong vùng bảo vệ di tích, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu quy định về thẩm quyền, tiêu chí về vấn đề này như trong Dự thảo Luật sẽ vướng trong quá trình thực hiện. “Nhà ở riêng lẻ mà cho xây dựng ở trong khu vực bảo vệ I, được hiểu là vùng lõi thì không hợp lý. Nhưng với khu vực bảo vệ 2, được gọi là vùng đệm mà không quy định chặt chẽ, làm rõ thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện để xử lý vấn đề này thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được giao quản lý các di tích, di sản” - ông Thanh nêu ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sửa đổi căn bản Luật Di sản văn hóa là phù hợp. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng Dự án Luật khi được thông qua sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển, phải được bảo tồn và phát huy. Do đó, cần rà soát mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung một số nội dung về chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư về phát triển văn hóa, kinh tế văn hóa… tại quy định về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và một số thể chế chính sách đã thí điểm với một số địa phương để thiết kế trong Luật nhằm thực hiện chủ trương tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa, vừa phát huy di sản văn hóa, cộng hưởng với phát triển du lịch.

Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù về bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Cùng chuyên mục
Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản