Đã đến lúc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng!

(BKTO) - Sau 12 năm thực thi, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Thậm chí, một số quy định chưa theo kịp thực tiễn hoạt động ngân hàng với nhiều vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi vậy, đã đến lúc, Luật này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

14.jpg
Việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD nhằm hướng tới các mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Ảnh sưu tầm

Hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp thực tiễn

Trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định: Luật các TCTD 2010 và Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động của các TCTD, giúp hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh hơn, qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Luật các TCTD 2010 cũng đã có các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động thanh tra, giám sát TCTD. Đặc biệt, Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 đã tạo thuận lợi cho việc xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt; nâng cao năng lực quản trị điều hành của TCTD, cảnh báo, can thiệp sớm nhằm hạn chế các rủi ro, vi phạm trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; xử lý các bất cập, vướng mắc trong quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD. Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn chi tiết đã đáp ứng được yêu cầu quản lý và định hướng cho hoạt động, phát triển các TCTD trong thời gian khá dài, góp phần tạo sự ổn định về môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng...

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật các TCTD đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc liên quan đến quản trị, điều hành TCTD do sự khác nhau giữa quy định của Luật này với Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Cùng với đó là các vướng mắc trong hoạt động của TCTD (xem xét cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; cho vay và hoạt động gửi tiền giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hoạt động dịch vụ ngân quỹ, giao đại lý của TCTD...) và các quy định về cơ cấu lại TCTD.

Mặt khác, thực tế cho thấy ngân hàng số đã phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay, theo NHNN, các quy định pháp luật lại chưa thể bắt kịp với hoạt động ngân hàng số nói chung. Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số. Minh chứng là, Luật các TCTD mới đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử, chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số (là một khái niệm rộng hơn khái niệm hoạt động ngân hàng điện tử) và cũng chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển mô hình ngân hàng số như nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý... Bên cạnh đó, một số vấn đề mới phát sinh hiện nay vẫn chưa được pháp luật quy định như: Hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ…

Sửa Luật là cần thiết

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, NHNN cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD là cần thiết. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Việc sửa đổi Luật các TCTD còn nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định của các Luật có liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD nhằm hướng tới các mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động và sự phát triển bền vững của hệ thống TCTD; tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải tiến mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo. Mục tiêu quan trọng nữa của việc sửa Luật là nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD; nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật còn nhằm tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý các TCTD yếu kém theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, hạn chế và các vi phạm, rủi ro của TCTD. Các chính sách phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, gắn với việc luật hóa quy định về xử lý nợ xấu của TCTD tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và có sự tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để vận dụng một cách chọn lọc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo đó, trước hết, bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD, Luật các TCTD cần được xem xét, sửa đổi những vấn đề lớn để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại hệ thống TCTD, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng./.

NHNN đề xuất 2 nhóm chính sách cần được xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD gồm: Nhóm chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của TCTD (các vấn đề về quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn; chuyển đổi số ngân hàng...) và nhóm chính sách khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại TCTD yếu kém.

Cùng chuyên mục
Đã đến lúc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng!