CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát. Ảnh: Bộ Tài chính |
Cục Quản lý giá khẳng định: Đây chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, cùng với việc phải giãn cách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thiếu hàng hóa và ách tắc lưu thông.
Cục Quản lý giá cho biết thêm: CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng do Nhà nước định giá tiếp tục được giữ ổn định. Một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế, như: kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán, giảm giá tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; tăng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc thực hiện các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như thép xây dựng, phân bón... và gần đây là việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Qua đó, mặt bằng giá 7 tháng đầu năm đã giữ ở mức hợp lý, tạo dư địa thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2021 ở mức dưới 4%.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, với mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm là 1,47% thì việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, công tác kiểm soát lạm phát vẫn còn tiềm ẩn rủi ro do tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể làm giá một số mặt hàng biến động cục bộ ở một số thời điểm tại địa phương.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Đồng thời, chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Các Bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, đặc biệt chú ý diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.
THÙY ANH