Đại biểu Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán vấn đề tăng giá điện, giá xăng dầu

(BKTO) - Trước lo lắng, băn khoăn của cử tri về vấn đề tăng giá điện, giá xăng dầu, tại phiên thảo luận tại tổ sáng 22/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, KTNN cần vào cuộc kiểm toán vấn đề tăng giá điện, giá xăng dầu nhằm đảm bảo sự minh bạch trong điều hành giá điện, giá xăng dầu.



Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phản ánh, qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri rất phân tâm, lo lắng về tăng giá xăng dầu và giá điện. Báo cáo của Bộ Công thương đã giải trình về cơ sở pháp lý, về quy trình xây dựng và xin Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cho tăng giá điện, tuy nhiên cử tri vẫn rất băn khoăn.

“Cử tri không biết tính giá như thế nào nhưng họ thấy rằng việc tăng giá điện như vậy ảnh hưởng đến đồng lương, đến cuộc sống của họ hàng ngày và họ so sánh với việc tăng giá các mặt hàng khác thì thấy vấn đề tăng giá hai mặt hàng này không hợp với cử tri”- đại biểu Cầu phản ánh.
                
   

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22/5- Ảnh: Đ. KHOA

   
Trước thực tế đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, với vai trò của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần có tiếng nói để bảo vệ vấn đề này cho cử tri. Theo đó, Quốc hội cần đồng ý để KTNN vào kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu, xem có đúng như đề xuất của các cơ quan không. "Nếu chúng ta kiểm toán thành công, trả lời trước nhân dân thì dù tăng hay giảm dân cũng cảm thấy minh bạch. Người dân nói có thể tăng giá xăng dầu hoặc giá điện ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của người dân, nhưng quan trọng nhất đó là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá điện, giá xăng dầu. Tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu để KTNN vào kiểm toán 2 lĩnh vực này để cử tri yên tâm”- đại biểu Cầu kiến nghị.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, thời gian qua cử tri và dư luận “nóng” lên rất nhiều về vấn đề tăng giá điện. Theo đại biểu, trên thực tế giá điện không tăng 8,36% như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố và nếu bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá thì thấy rất rõ điều này. Vấn đề đặt ra ở đây là cử tri cũng như đại biểu Quốc hội cần một sự minh bạch về mức giá đúng của 1kW điện vì từ mức giá đó chúng ta mới biết được mức tăng giá từ mức cơ sở lên các mức lũy tiến này như thế nào.

Đại biểu Hà cũng đồng tình đề xuất để KTNN vào kiểm toán cách tính toán đầu vào của giá điện cũng như kinh doanh điện trong thời gian vừa qua. “Có năm EVN báo lãi nhưng có năm báo lỗ liên tục lên đến hàng nghìn tỷ. Vậy thực sự những con số đó là như thế nào, cử tri cũng như đại biểu Quốc hội cần có một báo cáo chính xác từ KTNN. Đề nghị KTNN vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới”- đại biểu Lê Thu Hà nói.
                
   

Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu tại tổ sáng 22/5

   
Cũng theo đại biểu Lê Thu Hà, trong báo cáo của Bộ Công thương gửi đến đại biểu Quốc hội lý giải rất nhiều lý do về việc tăng giá điện trong thời gian vừa qua nhưng báo cáo này chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như đại biểu Quốc hội.

Đơn cử, theo đại biểu, Bộ Công thương lý giải mức lũy tiến 6 bậc là căn cứ trên tham khảo của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, tuy nhiên ở các nước này đều có các chính sách đi kèm để hỗ trợ giá điện cho người dân. Như ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và giá điện rất cạnh tranh. Mức giá điện kinh doanh và mức giá điện sinh hoạt là khác nhau. Đặc biệt với những hộ có thu nhập thấp thì mức giá điện được giảm đáng kể nên việc chi dùng điện không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Hay tại Hàn Quốc, mặc dù cũng phân định 3 mức giá nhưng khi thời tiết quá nóng thì Chính phủ Hàn Quốc có chính sách giảm giá điện cho người dân; có chính sách giảm tiền điện cho những gia đình có thu nhập thấp, các cơ sở phúc lợi xã hội, các gia đình có con nhỏ…

Đồng ý việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng đại biểu Hà đề nghị phải cân nhắc, tính toán lại các bậc thang như thế nào cho hợp lý để đáp ứng được sinh hoạt tối thiểu của người dân.

Đại biểu Lê Thu Hà cũng đặt vấn đề cử tri nghi ngờ mức tăng giá điện do có vấn đề bù chéo giá điện. Tức là, phần mua của người dân giá cao để bù cho khu vực sản xuất công nghiệp, trong khi khu vực sản xuất chiếm hơn 50% lượng điện tiêu thụ. "Bộ Công thương cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không"- đại biểu Hà nói.

Phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời giai tới, Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục thanh tra về vấn đề tăng giá điện, nhất là về biểu giá điện. Chính phủ cũng đề nghị KTNN vào tập trung kiểm toán lại ngay hoặc năm 2020 kiểm toán toán bộ báo cáo tài chính và điều hành giá điện của năm 2019 của EVN để công bố công khai cho Quốc hội và nhân dân được biết, nếu có chỗ nào sai sót thì Chính phủ và các Bộ ngành nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và sửa chữa.
         
Qua tham khảo các chuyên gia kinh tế cho thấy: Người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng) và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá- không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6. Đối với bậc 3 (101-200 kWh) theo EVN là mức phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng) hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng (120%), khác với 8,4% mà EVN thông báo.
   Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% ( 163,7%-151%) và ở bậc 5 (301-400kwh) là 14.2% (183%-168,8%).Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, khác với 8,33- 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước khi tăng giá.   
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà
   
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán vấn đề tăng giá điện, giá xăng dầu