Đảm bảo cho Cổng Dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn

(BKTO) - Chiều 09/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức khai trương đưa Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vào vận hành chính thức tại địa chỉ dichvucong.gov.vn.




                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tiến hành nghi thức khai trương Cổng DVCQG - Ảnh: chinhphu.vn

   

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức Lễ Khai trương với tinh thần mạnh dạn làm rồi tiếp tục cải tiến, nâng cấp. Việc xây dựng cổng dịch vụ công các cấp và Cổng DVCQG có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các hệ thống Chính phủ điện tử, là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, DN và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, DN tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử.

Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của Văn phòng Chính phủ cũng như một số Bộ, cơ quan, địa phương, DN công nghệ thông tin, chuyên gia... để đưa Cổng DVCQG vào hoạt động.

Việc khai trương Cổng DVCQG là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tửtheo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ được đông đảo người dân sử dụng.

Để Cổng DVCQG hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng lưu ý: Mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. "Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa. Chúng ta nên nhớ rằng tỉnh và Bộ, ngành phải là đơn vị cung cấp dịch vụ công là chính” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Quá trình thực hiện xử lý các thủ tục hành chính cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, giữa các cơ quan liên Bộ, ngành để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Trong tháng 01/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình Dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ trình Dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần bảo đảm sự ổn định thông suốt của cả hệ thống dịch vụ công, phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN, đồng thời phải bảo đảm an ninh an toàn thông tin, an ninh mạng cho cả hệ thống thông tin quan trọng quốc gia này.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục nâng cấp cổng dịch vụ công của Bộ, địa phương để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng DVCQG, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng DVCQG. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn công nghệ, cần sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, cống hiến, không để chảy máu chất xám đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.

Các DN công nghệ thông tin trong cả nước, nhất những tập đoàn lớn cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống.

         
Việc phát triển Chính phủ điện tử nói chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng tại Việt Nam đã có những tiến bộ. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, năm 2018, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 88/193 quốc gia, trong đó, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá cao nhất đạt 0,74/1. Đến hết quý III/2019, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan Trung ương là 1.720 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hỗ trợ trực tuyến là 47,7% và tại các địa phương là 46.660 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%.

HỒNG NHUNG

Cùng chuyên mục
Đảm bảo cho Cổng Dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn