Đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế phục hồi và phát triển

(BKTO) - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ngành ngân hàng cần điều hành tín dụng hợp lý, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.



                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Ngày 19/8, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với NHNN về tình hình triển khai các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, giai đoạn 2021-2025.

Tín dụng tăng 9,62%, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ trên 92 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo tại cuộc họp, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá hàng hóa dịch vụ để góp phần kiểm soát lạm phát.

Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%).

NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đồng thời, ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án.

NHNN cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2023.

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chương trình trong quý I/2022.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định.

Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

NHNN đã thực hiện tái cấp vốn cho các TCTD sau khi các TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay, với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng; giải ngân tái cấp vốn 4.787 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đến ngày 31/7/2022, dư nợ của Chương trình là 4.192 tỷ đồng với 1.083 khách hàng còn dư nợ.

Đến cuối tháng 6/2022, lũy kế giá trị nợ đã được cơ cấu lại từ khi ban hành Thông tư 01 là hơn 722 nghìn tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng; dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn khoảng 178 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là hơn 92 nghìn tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 17 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 50.000 tỷ đồng…

Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh trong lĩnh vực ngân hàng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những kết quả đã đạt được của NHNN trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị NHNN quan tâm các nội dung sau:

Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 43, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do và sớm có giải pháp tháo gỡ; trường hợp cần thiết sửa đổi quy định, cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất kịp thời.

Điều hành tín dụng hợp lý, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của TCTD, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; nâng cao năng lực tài chính của TCTD, nhất là tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước và NHTM có vốn nhà nước chi phối; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD.

Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD, thanh tra chuyên đề đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen”…/.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế phục hồi và phát triển