Đảm bảo thực thi quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

(BKTO) - Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này tập trung mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của chính sách tự chủ đại học trong Luật hiện hành. Đây cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên họp sáng 6/11.



Cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm toán và công khai tài chính

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về tự chủ đại học, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Dự thảo Luật thống nhất gọi cơ quan quản trị ở cả trường công lập và tư thục là Hội đồng trường; quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của Hội đồng trường, của từng thành viên trong Hội đồng cũng như của Hiệu trưởng; xác định rõ Hội đồng trường là tổ chức quản trị còn Hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành hoạt động nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và nghị quyết của Hội đồng. Dự thảo Luật không quy định chi tiết tiêu chuẩn các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định phù hợp với quy định chung của pháp luật.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục đại học - Ảnh: quochoi.vn

   
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này. Cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát. Do đó, việc củng cố vai trò, vị thế và quyền lực của thiết chế Hội đồng trường trong trường đại học là cần thiết.

Liên quan đến vấn đề về tài chính và tài sản, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung theo hướng xác định trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển GDĐH, quy định phương thức phân bổ ngân sách thông qua các hình thức: chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.

Về học phí, Dự thảo Luật quy định, mức thu học phí được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật. Cơ sở GDĐH phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ sinh viên để hỗ trợ người học có khó khăn về tài chính.

Về quản lý tài chính, cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, có nghị quyết thông qua của Hội đồng trường được tự chủ quyết định đầu tư dự án phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu, tự quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu hợp pháp ngoài NSNN. Dự thảo Luật cũng yêu cầu cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm toán và công khai nguồn tài chính…

Quy định cụ thể về tiêu chí tự chủ

Thảo luận, góp ý vào Dự thảo Luật GDĐH, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhận xét, quy định trong Dự thảo Luật đã tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo; quan tâm đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản, đổi mới quản trị đại học, mô hình cơ cấu tổ chức, cơ chế phù hợp. Dự thảo Luật cũng đã trao quyền cho Hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị, phù hợp thông lệ quốc tế; khắc phục bất cập những hạn chế của Luật GDĐH năm 2012, gỡ bỏ những điểm nghẽn, những nút thắt trong thời gian qua. “Dự thảo luật lần này ra đời chắc chắn sẽ cởi trói rất nhiều cho các cơ sở giáo dục trong quá trình tự chủ để phát triển theo xu hướng hội nhập của thế giới”- đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, trong quá trình tuyển sinh, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chất lượng học. Nếu tự chủ về tài chính, học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao.

Mặt khác, tự chủ về cơ sở vật chất đối với các trường đại học công lập, nếu không có những chế tài kiểm soát chặt chẽ về cơ sở vật chất đầu tư, sẽ dẫn đến một số trường có nguy cơ lệch hướng đào tạo. Đồng thời, cho phép các trường đại học chủ động mở thêm các mã ngành đào tạo, trong khi đó chưa có chế tài quy định chặt chẽ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất làm cho chất lượng đào tạo không cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định tiêu chí cụ thể đối với từng vấn đề tự chủ của các trường đại học.
                
   

Đại biểu Trần Tất Thế phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   
Chỉ ra thực tế thời gian qua Nhà nước cho phép tự chủ nhưng khống chế trần học phí khiến một số trường rất khó tự chủ, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, trong 3 mặt tự chủ thì tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính là động lực phát triển, tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển của nhà trường. Đồng thời, tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà Nhà nước vẫn cần có đầu tư rồi rút dần, tự chủ có lộ trình để đảm bảo cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi có thể vào học tại các trường đại học top đầu, góp phần phát triển nhân tài.

Trước tình trạng đào tạo tràn lan, sinh viên ra trường không có việc làm, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) yêu cầu, Dự thảo Luật nhất thiết phải bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trước và sau khi thực hiện để Nhà nước thể hiện vai trò nắm bắt, giám sát, điều tiết, định hướng khi cần thiết. Nhà nước không chỉ hậu kiểm mà cần cả tiền kiểm, trước khi các đơn vị tiến hành tự chủ.

Đại biểu Thảo cũng đồng tình quan điểm cho rằng, Dự thảo Luật cần có các tiêu chí cơ bản mang tính lượng hóa để các cơ sở giáo dục đại học có căn cứ tiến hành xây dựng lộ trình tự chủ và đánh giá tính khả thi khi áp dụng mô hình tương ứng. “Khi được trao quyền tự chủ một số cơ sở có thể lúng túng khi thực hiện, một số lại có thể lạm dụng quyền tự chủ sau khi được giao. Mức độ mô hình áp dụng tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học không thể giống nhau nên cần bổ sung quy định về tiêu chí cơ bản làm căn cứ cho các cơ sở này từng bước tiến hành tự chủ, lựa chọn lĩnh vực và mô hình phù hợp với năng lực của từng đơn vị, tùy từng thời kỳ’- Đại biểu Thảo đề xuất.

Giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình khẳng định mục tiêu đặt ra là phải tăng tự chủ thật sự cho trường đại học. Thời gian qua, chúng ta đã đi từ thí điểm nhỏ cho đến lúc có hơn 20 trường làm thí điểm, đến nay cũng đã có được một số kết quả tốt. Vì vậy, cần tạo điều kiện hành lang lớn hơn về pháp lý để phát triển. Dự thảo Luật đặt ra 3 tự chủ đó là tự chủ chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản, là một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, chúng ta phải quyết tâm tạo được sự chuyển đổi này.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Chủ động rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Cùng với việc nhìn nhận những cơ hội và thách thức khi tham gia CPTPP, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chủ động, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định có hiệu quả, phát huy hết các cơ hội, tránh các rủi ro.
  • Quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết:  Còn nhiều gánh nặng và rào cản
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hơn một năm sau khi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) được ban hành, cơ quan thuế đã chặt chẽ hơn trong việc thanh kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các GDLK của DN, đặc biệt là những DN đã từng có hành vi trốn thuế, chậm nộp thuế hoặc có rủi ro cao về kê khai và nộp thuế. Chính vì vậy, các DN cần phải nắm rõ những quy định của Nghị định 20 cũng như hệ thống luật pháp về thuế. Nếu bỏ qua hoặc không nắm chắc các quy định này, bản thân DN sẽ rất dễ đối mặt với rủi ro và hình phạt khi vi phạm.
  • Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 3/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
  • Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng nay (2/11) Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
  • Kỳ vọng vào tuổi trẻ Kiểm toán Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phỏng vấn GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước)
Đảm bảo thực thi quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học