Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động và phát triển

(BKTO) - Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp (DN) và giữ vai trò cầu nối giữa DN với các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Hiệp hội cần tiếp tục kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào; cần có nhiều nội dung, phương thức tổ chức sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, hạn chế trong điều kiện hoạt động đặc thù…

dnnvv-1.jpeg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Đoàn đại biểu Hiệp hội DNNVV Việt Nam .Ảnh: ST

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế đất nước

Với số lượng chiếm đa số (trên 98% tổng số DN trong cả nước), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế với khoảng 50% GDP và 35% tổng thu ngân sách nhà nước; hằng năm, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 50% người lao động; tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ DN.

Hiệp hội đã phát triển mạng lưới đến chi hội cấp quận, huyện và một số địa bàn còn phát triển đến cấp xã, phường và làng nghề; tham gia vào quá trình xây dựng, tuyên truyền cơ chế, chính sách, các chính sách của Đảng và Nhà nước; tư vấn, hỗ trợ DN, vận động các hội viên và cộng đồng các DN tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các DN và giữ vai trò cầu nối giữa DN với các cấp chính quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Ngày 23/3/2023, Hiệp hội đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó ở Trung ương Hội có 30 đơn vị trực thuộc, bao gồm cả 6 chi hội và 61 hội DN thành viên với tổng cộng hơn 63.500 hội viên chính thức.

Phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội DNNVV Việt Nam vào chiều 22/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Hiệp hội tham gia tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ DN trong tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường; vận động các hội viên và cộng đồng các DN tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức của cộng đồng DN nói chung, trong đó có DNNVV phải đối mặt như: Hậu quả của đại dịch Covid-19; mâu thuẫn chính trị thế giới làm cho kinh tế thế giới rất khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây còn nặng nề. Trong nửa đầu năm 2024, cả nước có gần 120.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng bên cạnh đó cũng có đến hơn 110.000 DN rút lui khỏi thị trường. Nhiều DN đã tận dụng tốt được thời cơ và lợi thế để bứt phá, nhưng cũng có không ít DN vẫn đang căng mình với những khó khăn…

dnnvv-2.jpg
Các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Đánh giá DNNVV có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế đất nước, giải quyết vấn đề hằng ngày đời sống xã hội; nhiều DN không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn quan tâm đến các hoạt động xã hội… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN Việt Nam hoạt động và phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ DN là động lực phát triển của nền kinh tế; Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới khích lệ, động viên cho đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, sản phẩm

Để DNNVV vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào Hội; thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của DN, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cộng đồng DN, phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện cấp Quốc gia, thực sự là nơi tập hợp, lan tỏa, nuôi dưỡng sự lớn mạnh của cộng đồng DNNVV Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đội ngũ DN Việt Nam tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm kinh tế tốt, mà còn nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành trọng trách của mình; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho cuộc sống người lao động.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng tiềm năng phát triển của Hiệp hội là rất lớn, khi nền kinh tế của nước ta có trên 5 triệu hộ kinh doanh, nhiều gấp 6 lần số lượng DN, mỗi hộ kinh doanh này có thể trở thành một DN nhỏ và siêu nhỏ. Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị yêu cầu có chính sách tạo điều kiện cho DNNVV; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến đồng thời yêu cầu đội ngũ doanh nhân Việt Nam phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới.

“Vì vậy, cộng đồng DN cần chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục; nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, sản phẩm; chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, tận dụng tốt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định mang lại. Hiệp hội phải là nơi định hướng hoạt động của các DN thành viên, tuyệt đối tuân thủ luật pháp, thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Nhấn mạnh thời gian tới đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục được đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, ngoại lệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân phải là nhân tố quan trọng đồng hành, hưởng ứng, đóng góp bằng trách nhiệm và trí tuệ của mình, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân, vì lý tưởng và mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.

Cùng chuyên mục
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động và phát triển