Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh thông tin tại Phiên họp thứ 10. Ảnh: quochoi.vn |
Cân nhắc việc đa dạng hóa loại hình cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, về cơ bản có 5 chính sách Chính phủ đề nghị sửa đổi trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Thứ nhất, về mở rộng đối tượng tham gia BHYT, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia này là cần thiết và là một trong các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao độ bao phủ BHYT, hướng tới BHYT toàn dân. Tuy nhiên, một số nội dung và giải pháp thực hiện chính sách này còn chưa rõ ràng, cụ thể.
Chẳng hạn, chính sách dự kiến mở rộng đối tượng tham gia BHYT đến thân nhân người lao động và nhóm này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Tuy nhiên, chính sách này chưa nêu rõ chủ thể đóng 70% mức đóng còn lại; chưa xác định phạm vi người lao động thuộc khu vực nào được áp dụng chính sách này, dẫn đến việc thiết kế các phương án tại báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa rõ ràng, đặc biệt là tác động về NSNN.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cho phép một số đối tượng đóng tiền BHYT một lần cho từ 3 - 5 năm để giảm thủ tục và tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến thay đổi cơ chế quản lý quỹ, do đó Ban soạn thảo cần làm rõ và đánh giá tác động sát hơn nữa nội dung này.
Việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT cần đảm bảo khả năng cân đối của Quỹ BHYT và bảo đảm tính xã hội, chia sẻ rủi ro của BHYT. Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Thứ hai, về nhóm chính sách liên quan đến mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, Thường trực Ủy ban xã hội cũng đề nghị cân nhắc, tính toán việc mở rộng phạm vi được hưởng trong mối tương quan với khả năng cân đối của Quỹ BHYT và bảo đảm tính xã hội, chia sẻ rủi ro của BHYT.
Thứ ba, về đa dạng hóa loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở, bảo đảm sự bình đẳng trong thực hiện pháp luật về BHYT giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với chính sách này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường chất lượng y tế cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, dự thảo Luật dự kiến bổ sung các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế như các nhà thuốc, trung tâm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, cấp cứu, vận chuyển người bệnh được tham gia vào hệ thống KCB BHYT song lại chưa rõ cách thức tổ chức thực hiện và cơ chế kiểm soát về chất lượng, giá cả lạm dụng và khi mở rộng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế này, đặc biệt là đối với hệ thống các nhà thuốc nhỏ lẻ hiện nay.
Đồng thời, để phát huy vai trò của y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể nội dung này để giải quyết những tồn tại, bất cập trong thực tiễn hiện nay về chuyển tuyến KCB, KCB ban đầu và tiếp tục nghiên cứu để quy định đồng bộ với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về loại hình hợp đồng cung ứng dịch vụ y tế và KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội, tính chất của hợp đồng không thể coi là hợp đồng dân sự như đề xuất của Chính phủ, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc quy định loại hình hợp đồng phù hợp với tính chất của giao dịch này
Bảo đảm minh bạch, công khai trong quản lý, điều hành bảo hiểm y tế
Nhóm chính sách thứ tư là về bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong quản lý và điều hành bảo hiểm y tế; trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT. Thường trực Ủy ban Xã hội lưu ý, dự thảo Luật dự kiến quy định tạo cơ chế pháp lý để các tổ chức độc lập được tham gia giám định BHYT, bên cạnh giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Đây là chính sách đột phá, giúp giảm tải cho cơ quan quản lý BHYT.
Đảm bảo công bằng, khách quan trong công tác giám định BHYT. Ảnh minh họa: tuoitrethudo.vn |
Tuy nhiên, trên thực tế những vướng mắc và quá tải trong thực hiện giám định BHYT hiện nay chủ yếu là do thiếu các quy chuẩn của các công tác giám định, thiếu các quy định giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Phương thức thanh toán theo giá dịch vụ và cơ chế tự chủ tài chính dẫn đến tăng cung ứng dịch vụ y tế quá mức cần thiết trước đây, gây vượt trần, vượt quỹ được giao hàng năm.
Bên cạnh đó đây là quy định mới làm phát sinh tổ chức bộ máy, trong khi vẫn đang tồn tại hệ thống giám định của cơ quan BHXH hiện hành.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với giám định viên, nhằm chuẩn hóa người thực hiện giám định, tránh được tình trạng người của cơ sở KCB cho rằng những cán bộ giám định của BHXH Việt Nam không đủ chuyên môn để thực hiện giám định. Tuy nhiên, việc này sẽ phát sinh thủ tục hành chính và hiện chưa có chức danh nghề nghiệp giám định viên.
Từ những lý do trên, Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vai trò của các loại hình tổ chức giám định độc lập, cũng như mối quan hệ giữa các tổ chức này với BHXH Việt Nam và các cơ quan khác, trong việc tổ chức thực hiện BHYT, cơ chế phân xử khi có kết quả giám định khác nhau giữa các cơ quan, để đảm bảo sự công bằng, khách quan trong công tác giám định BHYT.
Đồng thời, làm rõ các khái niệm về giám định viên, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với giám định viên… để có cơ sở cân nhắc quy định nội dung này trong Luật.
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, cũng như các biện pháp cụ thể về các nội dung này, để đảm bảo việc thực hiện KCB BHYT.
Về phân bổ sử dụng, quản lý Quỹ BHYT, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các nội dung này cũng đề cập về phân bổ Quỹ BHYT hợp lý, về giải pháp bảo hộ của Nhà nước đối với Quỹ BHYT. Tuy nhiên, về giải pháp quy định thời hạn tối đa trong xử lý các khoản kinh phí chưa thống nhất, về quy định cơ chế mua sắm thuốc và vật tư y tế, đề nghị Ban soạn thảo cũng cần làm rõ thêm.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện thêm một bước hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) theo hướng tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa ra những chính sách khả thi và đề ra giải pháp hữu hiệu trong việc khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật BHYT, cũng như để thích ứng với tình hình mới./.
Đ. KHOA (Lược ghi)